Làm mới Nhạc Trịnh: không phải làm là sẽ mới
Các nghệ sĩ trẻ tham gia làm mới nhạc Trịnh - Ảnh: Nhân vật cung cấp
Là cái tên làm mới nhạc Trịnh thành công nhất nhiều năm trở lại đây, rapper, ca sĩ Hà Lê cho rằng đây là một tín hiệu rất đáng mừng, nhưng sẽ không tránh khỏi những tranh luận.
Một sự tiếp nối
EP GenZ & Trịnh đã được Universal Music Vietnam phát hành toàn bộ 5 ca khúc gồm: Nhìn những mùa thu đi (Mỹ Anh), Tuổi đá buồn (Juky San), Diễm xưa (Kiên), Mưa hồng (Hoàng Duyên, Obito), Nắng thủy tinh (Hoàng Dũng). Cùng thời điểm, Phan Mạnh Quỳnh trình làng Tình nhớ phiên bản 2022 theo phong cách giao hưởng.
Ca sĩ Phan Mạnh Quỳnh hát ca khúc Tình nhớ - Nguồn: Phan Mạnh Quỳnh Official
Nhận xét về các sản phẩm này, bà Trịnh Vĩnh Trinh - em gái nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - chia sẻ với Tuổi Trẻ: "Chúng tôi đã nghe và cảm thấy rất vui khi các bạn trẻ tìm được cảm hứng sáng tạo trên nhạc Trịnh. Và tôi tin anh Sơn cũng sẽ yêu thích điều này. Có như vậy, chúng tôi mới thực hiện được ước nguyện của anh tôi lúc sinh thời, là tìm kiếm những giọng ca mới hát theo cách riêng của thời đại họ.
Đó là một sự tiếp nối. Tiếp nối Trần Mạnh Tuấn là An Trần, tiếp nối Cẩm Vân là Cece Trương. Tiếp nối Mỹ Linh là Mỹ Anh. Mỗi bạn sẽ có một cách cảm nhận và hát khác nhau...".
Ca sĩ Bùi Lan Hương hát ca khúc Còn tuổi nào cho em - Nguồn: Galaxy EE & Universal Music Vietnam
Cũng làm mới nhạc Trịnh, nhưng nhạc sĩ Đức Trí lại chọn cách "làm cho nó nghe xưa": "Tôi không phối cho mới mà phải làm cho nó nghe xưa. Tinh thần xuyên suốt của dự án này là không có âm thanh điện tử. Nhằm thuyết phục người nghe để họ không thấy sự phục dựng các bản ghi mà như thể nó đã có từ những năm 1950 - 1960 hay 1990...".
Sau nhiều thập kỷ, có lẽ đây là thời điểm nhạc Trịnh đang được các nghệ sĩ trẻ "hồ hởi" làm mới nhất.
Nhiều ý kiến trái chiều
Trước những sự "thay áo" cho nhạc Trịnh, rapper, ca sĩ Hà Lê cho biết: "Điều đáng mừng là thế hệ trẻ, mọi lứa tuổi đang quan tâm đến nhạc Trịnh và nhạc Trịnh được nhắc lại như một giá trị tốt đẹp đang cần các bạn trẻ được biết đến và có tinh thần gọi là gìn giữ, kế thừa và phát huy. Tôi rất ủng hộ các phương diện làm mới, đặc biệt là của các ca sĩ gen Z (thế hệ sinh năm 1997 - 2012, người viết)".
Ca sĩ Mỹ Anh hát Nhìn những mùa thu đi - Nguồn: Universal Music Vietnam
Tuy nhiên, Hà Lê cũng thẳng thắn nhìn nhận khi chọn thử sức với nhạc Trịnh, người hát sẽ dễ gặp phải thiếu sót:
"Nhạc Trịnh vốn có rất nhiều quan điểm về triết học cũng như là Phật học. Có lẽ do các bạn còn trẻ, chưa có nhiều trải nghiệm, vốn sống nên việc cảm thụ, xử lý sẽ gặp phải trở ngại ít nhiều. Những gì mới bắt đầu thì sẽ dễ còn non nớt. Nhưng qua thời gian, bằng sự tìm tòi của các bạn trẻ, tôi tin rằng nhạc Trịnh sẽ được "sống lại" một lần nữa trong nhiều không gian âm nhạc hay sự sáng tạo khác nhau".
Quyết định thử thách bản thân với việc làm mới nhạc Trịnh là một thử nghiệm mang tính dấn thân vì thực tế cho thấy các nghệ sĩ đang gặp khá nhiều ý kiến trái chiều.
Có người khen sự làm mới này trẻ trung và đáng khích lệ, nhưng cũng có không ít người cho rằng đa số chưa thể hiện đúng tinh thần nhạc Trịnh, thậm chí là "nghe tai này, ra tai kia".
Kiên hát ca khúc Diễm xưa - Nguồn: Galaxy EE & Universal Music Vietnam
Giám đốc âm nhạc của dự án EP GenZ & Trịnh là Huỳnh Quang Tuấn nói với Tuổi Trẻ: "Khi bắt đầu, chúng tôi thống nhất với nhau là hãy để các bạn gen Z hát bằng cảm quan của riêng của họ vì các bạn sẽ có hình dung khác về nhạc Trịnh so với thế hệ trước.
Chúng tôi đã nghiên cứu, tìm hiểu, thảo luận rất nhiều để các bạn thỏa thích hát nhạc Trịnh theo tư duy của người trẻ, nhưng không để đi quá xa vì nếu vậy sẽ ảnh hưởng đến tinh thần nhạc Trịnh vốn đã gắn bó với nhiều thế hệ người Việt".
Phải có tiếp nối, kế cận thì âm nhạc mới trở thành nghệ thuật đi cùng năm tháng. Vậy nên vượt qua mọi sự khen chê, nhạc Trịnh đang cần nhiều hơn nữa những người trẻ cùng góp sức làm mới di sản đáng quý ấy.
Khu vườn không chỉ có một loài hoa
Trả lời câu hỏi về việc nhiều nghệ sĩ trẻ hát nhạc Trịnh thời gian gần đây thường xuyên bị chê là "không đúng tinh thần", thậm chí bị so sánh với chính phiên bản của Khánh Ly, nữ danh ca Khánh Ly chia sẻ:
"Trong một khu rừng hoặc một khu vườn không chỉ có một loài cây hay một loài hoa, có rất nhiều màu sắc để tạo nên sự sinh động trong cuộc sống. Chúng ta cũng không nên ép mọi người trong cuộc sống phải đi đường này hoặc phải như thế này, phải như thế kia, nhất là trong vấn đề nghệ thuật. Lớp trẻ bây giờ hát rất hay, họ có kỹ thuật... Hãy để cho họ hát".
Và theo ca sĩ Khánh Ly: "Đừng bao giờ so sánh người này với người kia, tội nghiệp nhất là so sánh một người 70 tuổi với một người 20 tuổi, cái này không công bằng".
No comments