Thêm danh hiệu Kiến trúc sư nhân dân: "Cần xác định rõ ràng các tiêu chí xét duyệt"
Sáng 27/5, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, các kiến nghị về việc nghiên cứu, mở rộng diện được xét danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú sang lĩnh vực nhiếp ảnh, kiến trúc, văn học... đã được đưa ra thảo luận. Trong đó, nhiều đại biểu quốc hội cho rằng thay đổi này là cần thiết, có ý nghĩa lớn đối với những người hoạt động trong các lĩnh vực này.
Để rộng đường dư luận, PV Dân Việt đã có cuộc trao đổi với các kiến trúc sư nổi tiếng về vấn đề nói trên.
Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng (Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam): Việc tôn vinh kiến trúc sư là điều nên làm
Tôi đã theo dõi phiên họp sáng 27/5 của Quốc hội khóa XV khi bàn về Luật thi đua khen thưởng sửa đổi bổ sung, trong đó có bàn về việc xét danh hiệu cho các lĩnh vực nhiếp ảnh, văn học, kiến trúc... Trước hết, tôi hoàn toàn ủng hộ và cảm ơn các đại biểu Quốc hội đã quan tâm tới các lĩnh vực đã, đang và còn đóng góp nhiều cho đất nước.
Riêng về lĩnh vực Kiến trúc, từ năm 2000 tới nay, vai trò của các kiến trúc sư ngày càng được nhắc tới nhiều hơn. Đặc biệt, năm 2019, khi chúng ta thông qua Luật Kiến trúc, vai trò của lĩnh vực này càng được củng cố.
Tôi rất tán thành ý kiến của đại biểu Trần Thị Thu Đông (tỉnh Bạc Liêu) và một số đại biểu khác khi nói về vai trò của nghệ thuật kiến trúc. Kiến trúc sư là người sáng tạo ra không gian sống an toàn, bền vững cho con người. Diện mạo đất nước của chúng ta trong những năm đổi mới có vai trò đóng góp quan trọng của giới kiến trúc sư, bằng những sáng tạo đồ sộ của họ. Nhiều công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật, đóng góp cho sự hình thành nền kiến trúc Việt Nam mới hiện đại, làm giàu cho nền văn hóa đất nước.
Ngay từ năm 1948, khi thành lập Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn coi đó là một đoàn thể thuộc lĩnh vực sáng tạo, tham gia vào công cuộc tái thiết đất nước. Với tư cách là một kiến trúc sư lâu năm, tôi vô cùng tự hào về công việc của mình.
Việc Quốc hội thông qua Luật thi đua khen thưởng bổ sung kỳ này là thay đổi phù hợp, đáp ứng nguyện vọng mong mỏi của giới Kiến trúc sư Việt Nam, cũng như thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quốc hội đối với đóng góp của những người làm lĩnh vực này trong việc xây dựng, phát triển đất nước.
Việc tôn vinh các kiến trúc sư là điều cần làm, nhưng cũng cần kèm theo các tiêu chí rõ ràng để danh hiệu này trở nên có giá trị, người kiến trúc sư có trách nhiệm với xã hội và cộng đồng. Theo tôi, đó phải là những công trình kiến trúc bền vững, ứng dụng, đẹp và có giá trị cộng đồng. Hiện nay, chúng ta có không ít những tác phẩm bỏ đi, hoặc gây phản cảm cho xã hội. Có thể kể ra một loạt chung cư trên đường Lê Văn Lương hoặc một số công trình ngay tại trung tâm Hà Nội...
Họa sĩ vẽ một bức tranh chỉ bao gồm cái tôi của họ, nhưng kiến trúc sư thì khác, công trình của họ xây dựng lên liên quan và ảnh hưởng tới rất nhiều người, trong một thời gian dài của lịch sử.
Tôi còn nhớ, cách đây 20 năm, trong một cuộc họp với Bộ Xây dựng mà tôi có vinh dự được dự, Cố Tổng bí thư Đỗ Mười phát biểu: "Một công trình kiến trúc tồn tại hàng trăm năm, nếu công trình đó không đáp ứng được nhu cầu sử dụng người dân, không để lại giá trị về thẩm mỹ, văn hóa thì người kiến trúc sư đó có trách nhiệm với Tổ quốc". Cũng bởi vậy, Nhà nước vinh danh nhưng kiến trúc sư cũng phải có ý thức trong công cuộc sáng tạo, nếu không họ sẽ chỉ là thợ vẽ.
KTS Ngô Doãn Đức (Chủ tịch Liên đoàn tư vấn Kiến trúc Hội Kiến trúc sư Việt Nam): Không nên quá nặng nề về những yếu tố ngoài nghệ thuật
Theo tôi, việc Nhà nước và Quốc hội tôn vinh kiến trúc là điều có ý nghĩa tốt đẹp. Kiến trúc sư là người làm nghệ thuật, và sự sáng tạo của họ có giá trị cho cộng đồng. Tôi hy vọng, việc tôn vinh và trao danh hiệu cho các kiến trúc sư sẽ vì nghệ thuật, vị nhân sinh, đừng quá nặng nề về các yếu tố khác.
Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã ra tuyển tập về các kiến trúc sư và đó có thể là tài liệu tham khảo cho quá trình xét duyệt này. Trong lịch sử, chúng ta có nhiều bậc kiến trúc sư tài danh nhưng lại sống trong những giai đoạn khác nhau. Tôi nghĩ, rất cần đưa ra những tiêu chí phù hợp, nằm trao cho những người xứng đáng được nhận, không quá nặng nề về khuôn khổ và giới hạn, không bó buộc bởi những câu chuyện ngoài nghệ thuật.
Một ví dụ tôi đưa ra là công trình Chùa Phát Diệm - đây là một công trình kiến trúc tiêu biểu, hội tụ kiến trúc Đông - Tây, được giới nghệ thuật trong và ngoài nước công nhận. Chùa được Chánh xứ Phát Diệm Phêrô Trần Lục xây dựng. Liệu một công trình như thế có được sắc phong hay không?
Tóm lại, tôi mong việc trao danh hiệu cho các kiến trúc sư sẽ mang lại giá trị đích thực, tránh việc làm theo phong trào, tìm ra bằng được. Ngoài ra, cũng không nên tạo ra các cuộc chạy đua cho những người không có năng lực và thực tài.
KTS Trương Ngọc Lân (Phó Trưởng khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng): Lĩnh vực kiến trúc có những đặc thù riêng
Về mặt gốc gác, Hội Kiến trúc sư Việt Nam nằm trong Hội Văn học Nghệ thuật, bên cạnh việc là một mảng Khoa học kỹ thuật, những người làm kiến trúc sư cũng là người làm nghệ thuật. Cũng bởi vậy, việc phong danh hiệu cũng là việc làm hợp lý, nếu xét trên phương diện đó. Tuy vậy, theo quan điểm của tôi, việc này không quá cấp thiết, bởi danh hiệu cao quý nhất chính là việc được công nhận là một kiến trúc sư rồi.
Nhìn lại lịch sử, những họa sĩ lớn như Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái đều không có danh hiệu nhưng tác phẩm của họ để lại mãi với nhân thế. Trên thế giới và tại Việt Nam cũng đã có nhiều giải thưởng danh tiếng để tôn vinh các kiến trúc sư. Riêng với công việc này, tôi nghĩ việc công nhận tác phẩm là quan trọng hơn cả, so với những danh hiệu của bản thân họ.
Nếu trao tặng danh hiệu, rất cần đưa ra những tiêu chí cụ thể. Lĩnh vực kiến trúc có những đặc thù riêng, và một công trình giá trị cần sự thẩm định trong thời gian dài. Một trong những e ngại của tôi là việc nó tạo ra những tranh cãi không cần thiết bởi nghệ thuật là việc khó lượng hóa và so sánh, nhất là khi trong giới kiến trúc sư hiện nay cũng có những xung đột nhất định về quan điểm.
No comments