Nhiều nghệ sĩ bị tổn thương khi bị trượt danh hiệu NSND, NSƯT
Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch vừa công bố danh sách 139 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND và 348 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSƯT. Danh sách được đăng tải công khai, lấy ý kiến của người dân. Thời gian lấy ý kiến từ ngày 26-7 đến hết 16-8, trước khi hội đồng cấp nhà nước họp theo quy định.
Chất lượng đang bị xem nhẹ
Ở đợt xét tặng danh hiệu lần này, dư luận trong giới nghệ sĩ và công chúng bày tỏ sự nuối tiếc khi các nghệ sĩ như NSƯT Lê Thiện, NSƯT Thanh Nguyệt, NSƯT Thoại Mỹ (cải lương), NSƯT Ngọc Khanh, NSƯT Linh Hiền (hát bội), NSƯT Quốc Cơ, NSƯT Quốc Nghiệp (xiếc) đã không có tên trong danh sách xét tặng danh hiệu NSND.
Bởi Nghị định 40/2021/NĐ-CP đã đưa ra tiêu chuẩn nghệ sĩ NSND là phải có ít nhất 2 giải vàng quốc gia (trong đó có 1 giải vàng cá nhân), có ít nhất 3 giải vàng quốc gia (nếu không có giải vàng của cá nhân); có ít nhất 1 giải vàng quốc gia và 2 giải bạc quốc gia (trong đó có 1 giải vàng cá nhân) đối với NSƯT. Những cá nhân có cống hiến nổi trội, tài năng nghệ thuật xuất sắc nhưng thiếu giải thưởng theo quy định sẽ được hội đồng các cấp thảo luận, đánh giá là trường hợp đặc biệt trình Thủ tướng Chính phủ xem xét.
Trong khi đó, theo đánh giá của giới nghệ sĩ và các nhà chuyên môn, NSƯT Lê Thiện, Thanh Nguyệt, Ngọc Khanh, Linh Hiền thực tế được ghi nhận đã có nhiều cống hiến cho sân khấu dân tộc. Riêng NSƯT Thoại Mỹ không chỉ tạo ấn tượng với nhiều vai diễn hay mà còn tham gia ban giám khảo các cuộc thi tuyển chọn diễn viên trẻ, đào tạo nguồn nhân lực cho sân khấu truyền thống. Đặc biệt, NSƯT Quốc Cơ - Quốc Nghiệp với tiết mục "Sức mạnh đôi tay" đã làm rạng danh nghệ thuật xiếc Việt trên trường quốc tế, giữ vững được phong độ trong lao động nghệ thuật.
Nói về NSƯT Lê Thiện, NSND Minh Vương nhấn mạnh NSƯT Lê Thiện xứng đáng là NSND. "NSƯT Lê Thiện đã có 66 năm hoạt động nghệ thuật, có hàng trăm vai diễn, có vai đã là khuôn mẫu cho thế hệ diễn viên trẻ. Bà còn tích cực tham gia công tác giảng dạy - truyền nghề cho các diễn viên trẻ do Ban Lý luận phê bình Hội Sân khấu TP HCM tổ chức 2 năm qua. Chưa kể, NSƯT Lê Thiện còn được trao Huy chương "Chiến sĩ vẻ vang", Huân chương Kháng chiến hạng nhất, Huy chương "Vì sự nghiệp sân khấu Việt Nam", Huy chương "Vì sự nghiệp văn học - nghệ thuật Việt Nam" - NSND Minh Vương nói và cho rằng như vậy là vô cùng xứng đáng.
Trong khi đó, NSND Ngọc Giàu nhận xét NSƯT Thanh Nguyệt là tấm gương sáng cho các thế hệ diễn viên trẻ. Bà đã được trao tặng Huy chương "Vì sự nghiệp sân khấu Việt Nam". "Nói thẳng, NSƯT Thanh Nguyệt xứng đáng được nhận danh hiệu NSND" - NSND Ngọc Giàu nêu ý kiến.
NSƯT Lê Thiện (bìa trái) tại chương trình Giao lưu - Truyền nghề do Ban Lý luận phê bình Hội Sân khấu TP HCM tổ chức, bà rất tích cực truyền nghề cho diễn viên trẻ
Giải thưởng thôi là chưa đủ
Từ những phân tích trên, một số nghệ sĩ gạo cội và nhà chuyên môn cho rằng áp lực về thành tích vẫn còn đè nặng lên hồ sơ xét chọn danh hiệu. Không ít nghệ sĩ đã có nhiều cống hiến cho nghệ thuật nước nhà, song bản thân không có điều kiện, cơ hội để tranh tài ở các cuộc thi. Ngược lại, thế hệ diễn viên trẻ năng động tham gia dự thi nên đủ tiêu chuẩn thành tích, dễ dàng chạm tay đến danh hiệu, dù tuổi đời còn rất trẻ. Do đó, cần phải sửa đổi quy định cho phù hợp với thực tế.
Theo NSND Thanh Tuấn, việc xét danh hiệu dựa theo huy chương đã biến những kỳ liên hoan mất đi ý nghĩa tốt đẹp vốn có. "Nếu huy chương chỉ để nhắm đến danh hiệu thì quả là không ổn. Bởi nghệ sĩ được khán giả yêu mến, đồng nghiệp công nhận đâu phải chỉ vì danh hiệu, mà còn bằng nhân cách, đạo đức và tài năng. Giải thưởng cao quý nhất, giá trị nhất vẫn chính là sự đón nhận của công chúng" - NSND Thanh Tuấn trăn trở.
NSND Lệ Thủy khẳng định thực tế có rất nhiều nghệ sĩ tuy không đủ huy chương nhưng lại được công chúng, xã hội công nhận cả tài năng và đạo đức. Ngược lại, có những nghệ sĩ được trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT nhưng không ai biết vì sức lan tỏa nghệ thuật của các nghệ sĩ này không rộng. "Có nghệ sĩ rất tích cực dự thi để tìm giải thưởng. Một khi vẫn còn sử dụng huy chương như tiêu chuẩn quan trọng để xét danh hiệu, xem nhẹ yếu tố tài năng, sự cống hiến và sức lan tỏa thì sẽ còn tồn tại một bộ phận nghệ sĩ chỉ tìm đến các cuộc thi, liên hoan, hội diễn để tích lũy huy chương" - NSND Lệ Thủy tâm tư.
NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, thẳng thắn: "Các cuộc thi của giới sân khấu phải là nơi khoe tài, trao đổi nghề nghiệp, đúc kết bài học kinh nghiệm trong sáng tạo; đặc biệt là đậm tính nghệ thuật và thiết thực phục vụ cộng đồng, chứ không phải là nơi chỉ để nhắm đến huy chương, tích lũy giải thưởng nhằm đáp ứng tiêu chí thủ tục cho những đợt xét tặng danh hiệu".
Với nghệ sĩ cao niên như Lê Thiện, Thanh Nguyệt thì không còn cơ hội để dự thi. Sự cống hiến nên được ghi nhận ở sức lan tỏa giá trị nghệ thuật trong lòng công chúng” - NSND Kim Cương nói.
No comments