Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh: Cho một tình yêu điện ảnh
Phan Gia Nhật Linh
Khi tôi đi các liên hoan phim quốc tế - nơi mà mỗi đêm, cục điện ảnh hoặc hiệp hội điện ảnh các nước sẽ tổ chức "Đêm điện ảnh" của nước họ để quảng bá về nền điện ảnh của từng nước, mời gọi các nhà làm phim quốc tế đến với họ, sử dụng tài nguyên và nhân lực của nước họ... thì tôi luôn chạnh lòng khi đến những "Đêm Việt Nam" (nếu có) ở các liên hoan phim này.
Tôi may mắn khi suốt thời thơ ấu - ở giai đoạn phát hành phim còn là độc quyền của Nhà nước - được tiếp cận với kho phim ảnh thế giới tại Fafilm Việt Nam, công ty xuất nhập khẩu và phát hành phim duy nhất cả nước, vì mẹ tôi làm kế toán trưởng ở đây.
Trốn vào phòng chiếu phim, tôi được xem nhiều bộ phim trong những buổi chiếu "trình duyệt". Trước khi trở thành một đạo diễn phim, tôi là một người viết về điện ảnh.
Giấc mơ phim ảnh của tôi
Năm 2005, tôi xin nghỉ việc làm thư ký tòa soạn báo để dành thời gian theo chân đoàn phim Hồn Trương Ba, da hàng thịt - một trong những phim đầu tiên do tư nhân đầu tư sau khi Nhà nước mở cửa phá thế độc quyền - trong vai trò người phụ trách PR & Marketing (khi đó vẫn còn là một khái niệm khá mơ hồ và mới mẻ).
Năm 2006, tôi nhận được học bổng của Quỹ Ford để sang Mỹ học điện ảnh, tại Trường đại học Nam California - ngôi trường được chống lưng bởi các "cây đa cây đề" của Hollywood bao gồm George Lucas, Steven Spielberg và Robert Zemeckis.
Những năm tháng học ở đây không chỉ cho tôi kiến thức về điện ảnh, mà quan trọng hơn, cho tôi hiểu giá trị của tiếng nói cá nhân của mỗi người làm phim.
Tôi muốn trở thành một người làm phim, không phải chỉ để kiếm tiền mà quan trọng hơn là vì muốn kể những câu chuyện về con người, về lịch sử và văn hóa Việt Nam. Tôi muốn kể không chỉ cho người Việt Nam mà cho cả thế giới, thông qua ngôn ngữ điện ảnh.
Tôi nhớ lại giấc mơ làm phim của mình từ khi chưa đi học làm phim - một giấc mơ mà nhiều năm sau, kể cả tới bây giờ, vẫn là một giấc mơ lớn.
Nói là ngông cuồng, bởi từ khi về nước năm 2010, rồi năm năm sau đó lăn lộn với nhiều vị trí khác nhau trong đoàn phim để được làm đạo diễn đầu tay với Em là bà nội của anh, và đến bộ phim gần nhất Em và Trịnh, tôi đã hiểu rõ hơn về thị trường phim ảnh Việt Nam.
Và tôi hiểu rằng làm về Bạch Đằng Giang cho ra tinh thần cần có của bộ phim, cho ra sự hoành tráng, ra chất sử thi đồ sộ, để chinh phục khán giả không chỉ trong nước mà cả thế giới, nó gần như bất khả.
Tôi không phải là người làm phim duy nhất ở Việt Nam có giấc mơ lớn làm phim lịch sử. Tôi biết anh Charlie Nguyễn cũng ấp ủ làm phim về Yết Kiêu, tôi biết chị Trương Ngọc Ánh đã theo đuổi dự án về Hai Bà Trưng trong nhiều năm, tôi biết Victor Vũ đã từng định làm phim về Lý Long Tường, đạo diễn Lý Minh Thắng đang bắt tay vào chuẩn bị bấm máy bộ phim Quỳnh Hoa Nhất Dạ...
Thế nhưng hầu hết họ đều loay hoay.
Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh - phim thành công hiếm hoi từ sự hợp tác của tư nhân - Nhà nước
Trong khi chờ những sự thay đổi, các nhà làm phim Việt Nam vẫn tự lực cánh sinh để tìm cách thực hiện giấc mơ điện ảnh của riêng mình. Không thể chỉ ngồi đó và bàn luận, mà phải thật sự bắt tay vào làm, kể cả gặp thất bại thì cũng xem đó là một kinh nghiệm để có thể trau dồi, để rồi mỗi ngày một thăng hoa hơn trong kỹ năng.
Ở đâu, điện ảnh Việt Nam?
Trong vài năm trở lại đây, điện ảnh Hàn Quốc lại một lần nữa có những cú nhảy ngoạn mục, hàng loạt nhà làm phim Hàn Quốc chiến thắng tại giải Oscar lẫn Liên hoan phim Cannes, trong khi phim truyền hình Hàn Quốc phá vỡ mọi kỷ lục về tỉ suất người xem trên toàn cầu.
Nhưng nếu chúng ta nhìn vào và đặt câu hỏi: Nếu một nhà làm phim Việt Nam có ý tưởng và có khả năng làm những bộ phim này, liệu chúng có vượt qua được hệ thống kiểm duyệt một cách nguyên vẹn để ra đời hay không?
Chúng ta một mặt mong muốn nền điện ảnh phải được như các nước khác, mặt khác chưa có những chính sách hợp lý để đồng hành hỗ trợ người làm phim trong nước lẫn quốc tế khi đến Việt Nam.
Không chỉ những nền điện ảnh lớn như Hàn Quốc hay Nhật Bản thường xuyên có các hoạt động để thu hút nhân lực và tài lực quốc tế cho nền điện ảnh của họ, mà cả những nền điện ảnh như Thái Lan, Philippines cũng có những chính sách vô cùng hấp dẫn như chính sách giảm thuế, hoàn thuế, tài trợ cho các đoàn phim quốc tế đến quay tại nước sở tại cùng việc hỗ trợ để các đoàn phim quốc tế có thể làm giấy tờ một cách thuận lợi và dễ dàng.
Trong khi các hiệp hội và ủy ban điện ảnh các nước lân cận dang tay đón chào các hãng phim quốc tế đến đất nước họ để tiêu tiền và khai thác tiềm năng du lịch qua phim ảnh, từ việc giảm thuế đến việc hoàn tiền cho các hãng phim, thì ở Việt Nam, Luật điện ảnh vẫn tiếp tục bắt các nhà làm phim quốc tế phải thông qua hàng rào kiểm duyệt đầy khó khăn.
Không phải Nhà nước không đầu tư vào điện ảnh. Hằng năm, Nhà nước vẫn rót tiền nhưng ngoài vài cuộc bắt tay thành công rất ít ỏi, như Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của Victor Vũ hay gần đây là Maika của Hàm Trần, hầu hết các "phim nhà nước" khác đều bị quên lãng ở phòng vé, không đến được một liên hoan phim quốc tế uy tín nào dù dĩ nhiên vẫn được trao thưởng trong nước.
Trong lần làm giám khảo một giải thưởng điện ảnh Việt, vào những giờ nghỉ ngơi, các giám khảo khác cũng tâm sự bình luận tại sao vẫn có những bộ phim này kia ngô nghê yếu kém như thế.
Vậy mà đến giờ chấm giải, những giám khảo thuộc biên chế nhà nước lập tức gọi tên các phim ngô nghê yếu kém được làm bởi các đồng nghiệp lâu năm của họ ở các hãng phim nhà nước để trao giải, vì như một trong số họ nói, "Nếu mà không có giải thì năm sau Nhà nước sẽ không cho tiền hãng làm phim nữa đâu"!
Phim Maika
Những khao khát không âm thầm
May mắn là khi quan sát nhiều bạn làm phim trẻ, tôi vẫn thấy những giấc mơ đẹp khác đầy khao khát mãnh liệt. Rất nhiều đạo diễn trẻ bắt đầu phim với tham vọng gửi đi các liên hoan phim quốc tế.
Vẫn có những tác phẩm thành công như Ròm của đạo diễn 9X Trần Thanh Huy thắng giải cao nhất ở Liên hoan phim Busan và "oanh tạc" phòng vé Việt Nam; có những dự án điện ảnh tham vọng, như Cu li không bao giờ khóc của đạo diễn trẻ Phạm Ngọc Lân; Tick It của Trần Thanh Huy, hay Butterfly Don’t Cry của đạo diễn Dương Diệu Linh đã đến rất nhiều chợ dự án quốc tế.
Tôi cùng những nhà làm phim bạn bè của mình như đạo diễn Hàm Trần, đạo diễn Bảo Nguyễn, nhà sản xuất Jenni Trang Lê, nhà sản xuất Anderson Lê thành lập Hãng phim EAST với mong muốn đưa tiếng nói của các nhà làm phim Việt Nam đến với thế giới.
Những cộng sự quốc tế của tôi còn cùng chung chí hướng bắt tay thực hiện những giấc mơ điện ảnh này.
Cùng lúc đó, những tín hiệu lạc quan khi những hội thảo xoay quanh Luật điện ảnh, về hệ thống kiểm duyệt và phân loại độ tuổi dán nhãn cho phim bắt đầu ghi nhận nhiều tiếng nói của các nhà làm phim tư nhân; các cuộc thi sáng tác kịch bản không chỉ của các tập đoàn phim tư nhân mà cả Cục Điện ảnh cũng mở rộng cho mọi đối tượng.
Luật điện ảnh cũng có một số thay đổi quan trọng, trong đó có điều khoản cho phép các đơn vị ngoài Cục Điện ảnh được đứng ra tổ chức liên hoan phim quốc tế so với trước đây.
Và giấc mơ điện ảnh, tôi mong, sẽ vẫn tiếp tục được xây dựng mỗi ngày một ít, cho đến ngày trở thành hiện thực.
No comments