Bài dự thi Tết đoàn viên: Cùng cha xem hội Tịch Điền
Với những người con lao vào đời kiếm cơm, ngày Tết có lẽ là quãng thời gian ý nghĩa nhất. Đó là "cái cớ" để người ta bỏ qua chuyện cơm áo gạo tiền để tìm về với gia đình, quê hương. Tôi vốn được nghe, được biết những câu chuyện của những người con xa quê mấy chục năm trời. Ai cũng hiểu đó đơn giản là vì nỗi lo cuộc sống. Trong nếp của mình, tôi thường bỏ qua những tiếng thở dài của những người không thể về quê ăn Tết. Đơn giản, tôi nghĩ đó là điều…hiển nhiên.
Thế nhưng tất cả đã thay đổi. Đó là khi tôi phải trải qua cảm giác ấy, cảm giác của những người trong cuộc. Hai năm tôi đón Tết xa. Đó là năm đầu tiên khi dịch bệnh bùng phát. Năm sau đó là năm tôi trở thành người bệnh khi Tết chỉ còn cách mấy ngày. Sợ cha lo lắng, tôi đã giấu chuyện và viện cớ bận công việc nên không thể về nhà.
Trải qua những khoảnh khắc đó, tôi mới hiểu giá trị của hai từ đoàn viên. Có lẽ, với những người con xa nhà, "thèm" gia đình là cảm giác khó tả nhất trong những ngày Tết đến. Năm nay, tôi được nghỉ từ 26 Tết. Đâu đó quanh mình, tôi nghe được hơi thở gấp gáp của cuộc sống. Đó là cuộc chạy đua của những người bán hàng, của người công nhân hay của bác xe ôm… Tất cả đều đang căng mình với công việc để mong có cái Tết đủ đầy.
Tôi chọn về sớm, về để bù đắp những tháng ngày xa cách, về để xem cha gói bánh chưng, xem mẹ may tấm áo và xem em trang trí cây đào. Hai năm xa nhà đã quá đủ để tôi nhung nhớ, khao khát đón Tết đoàn viên.
Những ngày ở nhà, sao tôi thấy thời gian sao trôi nhanh quá. Mới đó thôi mà đã mùng 7 Tết. Tôi ước gì hôm nay mới chỉ 30, để được nghe thanh âm chưa phải là Tết mà mọi người vẫn hay nhắc với nhau. Ngày đầu năm mới, quê tôi có lễ du xuân. Bất kể đi xa về gần, trong những ngày này, ai ai cũng muốn của những chuyến đi. Đó là những chuyến đi hái lộc đầu năm, đi chùa lễ Phật hay xem hội đầu năm.
Tôi vẫn nhớ như in ký ức ngày còn thơ ấu. Ngày tôi nhỏ bé bám chặt áo cha sau chiếc xe máy cũ xem hội làng. Ai cũng bảo cha tôi là người không thích náo nhiệt. Có lẽ tôi cũng thừa hưởng tính cách ấy của cha nên mỗi lần tới chỗ đông người là tôi lại khóc thét lên và chỉ muốn về nhà. Vì thế, cha lại càng muốn đưa tôi đi xem hội. Cha muốn cả tôi và cha cùng tập làm quen với sự ồn ào.
Tết năm này, tôi cũng muốn cha con mình du xuân như ngày thơ bé. Không như ngày trước, giờ đây cha tôi chỉ muốn ở nhà. Tôi phải động viên hết lời, cha mới chịu để tôi đưa đi xem hội đầu xuân. Mùng 7 Tết, mảnh đất Hà Nam quê tôi có hội Tịch Điền. Đây là lễ hội lớn nhất được tổ chức dịp đầu năm mới ở vùng quê chiêm trũng của tôi.
Tích xưa truyền lại, đây là lễ hội đã có cách đây 1.036 năm. Thuở ấy, vua Lê Đại Hành đã chọn vùng đất Đọi Sơn, Hà Nam là nơi tổ chức lễ Tịch điền nhằm khuyến khích, nhắc nhở người dân coi trọng, chăm lo sản xuất nông nghiệp.
Về sau, lễ hội này được khôi phục lại vào năm 2009 với quy mô lớn, thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương tham dự. Lễ hội đã tái hiện truyền thống "Dĩ nông vi bản" để khuyến khích sản xuất nông nghiệp.
Sớm tinh mơ, tôi đã cùng cha sắm sửa, chuẩn bị cho chuyến du xuân đặc biệt. Địa điểm tổ chức lễ hội chỉ cách nhà tôi trừng 20km. Thế nhưng đây là lần đầu tiên cha con tôi được xem lễ hội này. Tuy không nói nhưng tôi biết cha háo hức thế nào.
Suốt quãng đường đi, hai cha con cùng nhau trò chuyện và nhớ về những ngày tháng gian khó đã qua. Quãng đường đi vì thế cũng trở nên ngắn lại. Vào hội, cha con tôi được theo dõi những nghi lễ truyền thống như rước nước, khiêng kiệu, bái yết Thần Nông cầu cho một năm mới mùa màng bội thu, nhân khang vật thịnh... Đặc biệt là lễ cày tịch điền đã tái hiện hình ảnh vua Lê Đại Hành mặc áo hoàng bào xuống ruộng đi cày, theo sau vua là đoàn gieo hạt giống bao gồm đỗ xanh, lạc và thóc.
Không chăm chú theo dõi lễ hội như cha, tôi hay liếc qua để cảm nhận sự háo hức của người. Bao năm sinh trưởng, lớn lên ở làng quê, có lẽ đây là lần đầu tiên cha tôi được tham dự một lễ hội đông vui với quy mô lớn đến thế. Tôi hạnh phúc biết bao khi thấy được ánh mắt rạng ngời của cha trong buổi sớm ấy.
Tan hội, cha con tôi vui vẻ ra về. Sau lưng mình, cha thoải mái kể những cảm nhận về lễ hội vừa xem. Tôi chỉ tập trung lái xe và nghe cha nói. Đi được vài phút, tôi không thấy cha nói gì nữa. Qua gương chiếu hậu, tôi thấy cha đã lim dim ngủ gật tự lúc nào. Có lẽ, cha tôi đã thấm mệt sau một ngày dài chen chân nơi lễ hội.
Khi ấy, tôi mới sực nhớ rằng cha tôi đã lớn tuổi. Lòng tôi dâng trào một nỗi sợ. Tôi sợ một ngày khi mình về nhà đón Tết, hình bóng cha bằng xương bằng thịt sẽ chỉ còn trong ký ức mà thôi. Đâu đó, tôi nhớ lại một câu hỏi nhỏ: Nếu mỗi năm bạn chỉ về nhà gặp cha mẹ một lần. Vậy thì bạn còn được gặp họ bao nhiêu lần nữa. Nghĩ về câu hỏi đó, hẳn tôi hay bạn đều sẽ hiểu giá trị của ngày Tết, của sự đoàn viên ý nghĩa đến nhường nào.
Hết Tết, tôi lại ra đi. Đi để tìm kiếm những cơ hội, đi để tiếp tục một hành trình dang dở và đi để chuẩn bị cho ngày trở về trong cái Tết tiếp theo. Trên chiếc xe máy cũ của cha để lại, tôi bắt đầu một năm làm việc mới của mình cùng ước nguyện: Con không lớn nữa, xin cha mẹ đừng vội già đi.
Nhằm tạo cơ hội cho những người con từng phải đón Tết xa quê vì dịch bệnh, vì công cuộc mưu sinh… trải lòng về những cảm xúc, tâm tư, nỗi niềm được đoàn viên cùng gia đình trong dịp Tết Quý Mão và cả những câu chuyện mình trải qua hoặc chứng kiến về Tết đoàn viên, báo điện tử Dân Việt tổ chức cuộc thi viết "Tết đoàn viên". Với cuộc thi này, Ban Tổ chức sẽ nhận tất cả các bài viết thuộc các thể loại: phản ánh, ghi chép, bút ký, tản mạn chưa đăng tải trên bất kỳ phương tiện truyền thông nào. Các bài dự thi viết bằng tiếng Việt, có kèm hình ảnh, chưa từng đăng trên ấn phẩm báo chí nào. Các bài viết gửi về tòa soạn báo điện tử Dân Việt theo địa chỉ email banvhxh.ntnn@gmail.com trong thời gian 13 ngày, từ ngày 18/1 (tức 27 Tết) tới hết ngày 31/1 (tức mồng 10 Tết Nguyên đán Quý Mão), điện thoại liên hệ: 0979270846. Các bài viết có độ dài tối thiểu 600 chữ, tối đa 1.500 chữ, kèm theo ít nhất 2 - 3 ảnh thực tế phản ánh trong bài viết, có chú thích rõ ràng.
Các bài dự thi gửi về tòa soạn phải ghi rõ tiêu đề "Bài dự thi "Tết đoàn viên" của báo Dân Việt", trong đó ghi rõ họ tên, tuổi, số CMT hoặc CCCD, địa chỉ (rõ ràng để có thể liên hệ), số điện thoại và tài khoản ngân hàng. Trong trường hợp tác phẩm được đăng tải, Tòa soạn có thể gửi nhuận bút cho các tác giả ở xa thuận lợi nhất.
Ban Tổ chức sẽ lựa chọn những bài viết chất lượng nhất để đăng tải trên báo điện tử Dân Việt, sau đó tiến hành chấm giải với những bài được đăng và làm lễ trao giải sau Tết. Các bài đoạt giải sẽ được công bố trên báo điện tử Dân Việt.
Thông tin thêm về thể lệ cuộc thi tại đây.
No comments