Bài dự thi Tết đoàn viên: Nhớ món ăn đoàn viên của ngoại
Xa quê, tôi nhớ từng không gian, chi tiết của thiên nhiên, cũng như nhớ từng hương vị nồng nàn khi sốt sắng, lúc nhẩn nha trong từng món ăn bà ngoại nấu, như vỗ về, chiều chuộng cái cảm giác khấp khởi mong Tết của con cháu.
Một buổi sáng mùa xuân thuở thơ dại ấy, tôi nhớ rằng mình ngồi ung dung trên một quả bí. Quả bí như chiếc ghế, và nó to đến mức tôi ngồi thật thoải mái, nhìn sang bên kia sông… Bác gái tôi lấy chồng bên ấy, sắp tới mấy cô gái làng cũng về bên ấy làm dâu. Tôi nhớ dáng người đậm chắc, tròn lẳn của bác mỗi lần về giỗ ông. Nhớ nụ cười hồn hậu, hàm răng hơi khênh khểnh. Nghe đâu, bên ấy không trồng bí đỏ, cũng không có mùa bí đỏ, nên đầu đông, bác tôi qua đò, sang bên này cùng mẹ tôi xẻ bí mang về nấu chè nấu cháo. Có khi, bác còn quẩy quang gánh sang, hai đầu là hai chiếc thúng, mẹ tôi xếp bí cho bác mang về, lại xẻ ra và bán cho các nhà lân cận.
Lũ lĩ toàn bí là bí về được phết vôi vào trôn, vào cả thành quả, thành từng hình dấu cộng rồi lăn xuống gầm chạn bếp, gầm giường, nền đất. Thực ra, chúng tôi không mấy để tâm, chỉ hau háu chờ những buổi bà ngoại nấu chè. Những quả bí tròn, lộ hình múi, già đanh, có lớp phấn trắng bao phủ lên màu đỏ cam rực rỡ. Cùng là bí đỏ, nhưng nồi chè Tết mỗi nhà một khác. Nhà nào sung túc, chu đáo thì có thêm đỗ đen, đỗ xanh, dừa nạo. Tuyệt nhất phải cho khoai khô đánh nhuyễn với bí. Vẫn biết nhà nào cũng ngổn ngang thứ quả này trong nhà, nhưng nồi cháo nồi chè cứ biếu xoay vòng, nhà này mang sang nhà nọ.
Làng tôi còn nổi tiếng khắp vùng bởi món chè bí đỏ bán ở chợ phiên dịp Tết, đắt hàng nhất là buổi nào trời nổi gió, các bà hàng cá biển bủn rủn người, không thiết trông nom bán chác, túm tụm ăn quà. Vị ngọt bùi, ấm nóng tỏa lan. Chẳng cần đường hay gia vị nào khác, món chè món cháo vẫn cứ dẻo thơm, sóng sánh đến nao lòng. Từ đầu chợ đến cuối chợ, góc nào cũng nức hương.
Đôi khi, giữa chợ Tết, khi chờ bà ngoại bán chè, tôi thường thơ thẩn, nhớ các chị họ mình. Gia đình tôi hơi đặc biệt. Mẹ đẻ của bác gái tôi qua đời từ rất sớm. Ông tôi đi bước nữa với bà ngoại tôi và sinh ra mẹ. Tôi nhớ, mỗi lần nấu chè, trước lúc gánh đi chợ hoặc múc cho con cháu trong nhà, bà ngoại tôi đều múc ra những chiếc bát thang đặt lên ban thờ, thắp hương cho "chị cả".
Bác tôi lấy chồng bên kia sông nên càng thêm xa cách. Mỗi lần làm một món ăn nào đó, dù là nộm hoa chuối hay nồi cháo, bát chè… bà đều nhắc về bác - đứa con xa xôi mà bà chưa từng phân biệt con chồng, con mình. Bà cũng lại phân vân chuyện các chị tôi chẳng biết có nồi chè mà ăn không, hay mẹ nó lại xẻ bí mang đi bán. Niềm vui chưa bao giờ trọn vẹn bởi nỗi lo toan, áy náy cứ đong đầy.
Rồi như thành lệ, cuối tháng chạp, dân làng có bận bịu xuôi ngược đến mấy cũng sẽ về tát ao làng và ao nhà.. Thanh niên trai tráng mang gầu sòng, xô chậu đi từ sáng sớm, tới non trưa nước đã vơi, người trong làng gác lại việc nhà cùng ra phụ giúp. Trẻ con ngồi trên bờ, không thôi chỉ trỏ: Chỗ này cá to, chỗ kia có tổ nhà cá chuối, chắc chắn ao làng còn có chép vàng… Tới ngày nhà tôi tát ao, thể nào bà tôi cũng đồ một chõ xôi, nấu ấm chè xanh.
Gạo nếp dành dụm suốt năm chờ Tết đến gói bánh chưng, đồ xôi và ngày tát ao là việc đầu tiên cần đến thứ gạo nếp quý báu được trồng trọt, sàng sảy chu toàn. Chè xanh bà hái trên đồi, vừa hái vừa dạy cháu phải chọn lá già cong, hơi ngả sắc vàng, khi nấu nước mới đượm hương và ngọt hậu. Bà dặn dò xong, ngoảnh lại, đã thấy cháu theo lũ trẻ chạy từ sườn đồi xuống tít bờ ao xem người lớn đã rậm rịch tát nước hay chưa.
Tôi thường thích ngắm nghía những con cá chép rán, khúc trắm đen kho trên mâm cỗ hơn là ăn. Nếu để ăn, lại cứ nhớ hương vị tép kho lá gừng lá nghệ, cá diếc kho lá phèn đen của ngoại… Đó là những mớ cá, mớ tép mà cả đám trẻ con nháo nhào lao xuống ao cạn để "hôi" sau khi người lớn xong công việc. Từng mớ cá được bà đãi sạch, xóc muối và đun liu riu cho đến cạn nước. Mùi gia vị, mùi những thứ lá thơm lá chát trong vườn quyện vào nhau làm nên món ăn đưa cơm.
Chỉ loanh quanh bờ ao nhỏ một lúc là kiếm đủ lá cho món kho rồi. Gừng, nghệ bao giờ cũng được trồng ở tít bờ ao mạn cuối vườn, đang đơm bông rực rỡ. Lá phèn đen mùa đông khó tuốt là bởi đã điểm xuyết những quả già chín rục, phải vin cành nào trên cao, lá còn bánh tẻ, hứng chiếc rổ mây vào mà tuốt. Cũng có khi, sợ cháu sẩy chân, bà ngoại bảo tôi lên đồi kiếm lá găng lót đáy nồi.
Chỉ chờ có thế, chúng tôi chui cả vào bụi găng đầy gai hái quả già, rồi lại xuống cầu ao bóp từng quả, bọt găng nổi lên trắng xóa như xà phòng giặt giũ, cứ thể thổi tung cho bay khắp không gian trong leo lẻo, xao động những vầng mây xam xám in bóng nước.
Chẳng riêng tôi, dường như tất cả những đứa trẻ ngày xưa đều nhớ thương hương vị quê hương trong dịp Tết sum vầy. Trong cuộc họp đồng hương ở phố thị, có người nhắc: "Lâu lắm rồi làng mình chẳng tát ao". Ai đó lại không thôi thắc mắc: "Những cái ao ngày xưa, tưởng như đã bắt hết sạch cá, mà sang năm lại ắp đầy. Ao chuôm bây giờ, nếu không thả cá sẽ chẳng thấy tăm hơi con nào, lạ thật"… Và câu chuyện cứ đầy lên, cứ lan tỏa như những vòng sóng nước.
Chúng tôi nhận mặt tuổi thơ bằng bao kỷ niệm chưa bao giờ phai nhạt. Bà ngoại vẫn sống cùng bố mẹ tôi trong căn nhà xưa, như đã lâu không ra vườn nhổ cỏ, càng không dám bước xuống cầu ao. Không còn đứa cháu nào sống kề bên để bà nhờ trông bếp lửa, quở trách vì những trò nghịch dại. Trong ngăn ký ức mà nỗi nhớ ngày càng ăm ắp, thiết tha, tôi tin, vệt nắng tươi trong sóng sánh mùa xuân sẽ có bóng dáng ngoại mình ở đó.
Nhằm tạo cơ hội cho những người con từng phải đón Tết xa quê vì dịch bệnh, vì công cuộc mưu sinh… trải lòng về những cảm xúc, tâm tư, nỗi niềm được đoàn viên cùng gia đình trong dịp Tết Quý Mão và cả những câu chuyện mình trải qua hoặc chứng kiến về Tết đoàn viên, báo điện tử Dân Việt tổ chức cuộc thi viết "Tết đoàn viên". Với cuộc thi này, Ban Tổ chức sẽ nhận tất cả các bài viết thuộc các thể loại: phản ánh, ghi chép, bút ký, tản mạn chưa đăng tải trên bất kỳ phương tiện truyền thông nào. Các bài dự thi viết bằng tiếng Việt, có kèm hình ảnh, chưa từng đăng trên ấn phẩm báo chí nào. Các bài viết gửi về tòa soạn báo điện tử Dân Việt theo địa chỉ email banvhxh.ntnn@gmail.com trong thời gian 13 ngày, từ ngày 18/1 (tức 27 Tết) tới hết ngày 31/1 (tức mồng 10 Tết Nguyên đán Nhâm Dần), điện thoại liên hệ: 0979270846. Các bài viết có độ dài tối thiểu 600 chữ, tối đa 1.500 chữ, kèm theo ít nhất 2 - 3 ảnh thực tế phản ánh trong bài viết, có chú thích rõ ràng.
Các bài dự thi gửi về tòa soạn phải ghi rõ tiêu đề "Bài dự thi "Tết đoàn viên" của báo Dân Việt", trong đó ghi rõ họ tên, tuổi, số CMT hoặc CCCD, địa chỉ (rõ ràng để có thể liên hệ), số điện thoại và tài khoản ngân hàng. Trong trường hợp tác phẩm được đăng tải, Tòa soạn có thể gửi nhuận bút cho các tác giả ở xa thuận lợi nhất.
Ban Tổ chức sẽ lựa chọn những bài viết chất lượng nhất để đăng tải trên báo điện tử Dân Việt, sau đó tiến hành chấm giải với những bài được đăng và làm lễ trao giải sau Tết. Các bài đoạt giải sẽ được công bố trên báo điện tử Dân Việt.
Thông tin thêm về thể lệ cuộc thi tại đây.
No comments