Bài dự thi Tết đoàn viên: Tết trong trái tim tôi nhớ
Đã gần 30 năm nay, tôi đón Tết thành phố với con cháu. Tết thành phố đến sầm sập, đi rầm rầm và trôi qua rất nhanh.
Lũ trẻ luôn sợ tôi bận rộn vất vả nên thường dặn: "Mẹ không cần mua sắm gì, bọn con chỉ chạy ra siêu thị một giờ là có tất tần tật". Quả thật, thường đến 28-29 Tết, khi được nghỉ làm, con trai, con dâu tôi chạy vài giờ là mua đủ cái Tết.
Cành đào, cây quất, bánh chưng, măng, miến, giò nạc, giò mỡ, mứt kẹo như Tết truyền thống, rồi những món rất hiện đại hoa tuyết mai, gà ủ muối, giò đà điểu… Cơ man nào các thứ. Chẳng thiếu cái gì.
Nhưng mà mọi thứ đến nhanh, có đủ vẫn khiến lòng tôi trống trải. Tôi luôn nhớ về Tết xưa, Tết nhà quê, Tết thuở thiếu thốn đói ăn. Ở nơi đó, Tết trôi qua một cách chậm rãi, thiêng liêng, háo hức, chờ đợi, vui sướng.. Thấy Tết là thấy ấm áp, thấy đoàn viên, thấy gia đình.
Tết là khi thầy tôi chui vào góc xó bếp lôi từ trong đống bụi bặm ra chiếc nồi gang to đùng và mang ra cầu ao đánh thật sạch.
Rồi phiên chợ ngày hôm sau bu sẽ mua về những cuộn lá dong xanh mướt, bó lạt mềm mụp. Và thầy sẽ đổ những cân gạo nếp trắng muốt, đỗ xanh vàng ươm ra ngâm, thái những miếng thịt to tổ bố mà chúng tôi vừa nhìn thấy đã thèm nhỏ rãi.
Tết là cái chiều chúng tôi ngồi xung quanh giữa đống lá xanh mướt và xem bố gói bánh. Chị sẽ lăng xăng đưa cho thầy từng chiếc lạt, em sẽ khóc đòi lau lá và anh sẽ đi kiếm những viên gạch về để chuẩn bị gác bếp, đun bánh.
Tết là cái đêm chúng tôi ngồi quanh nồi bánh chưng, cùng canh lửa, nướng khoai, tay chân mồm miệng lấm lem và tiếng cười không bao giờ dứt. Những ngọn lửa rừng rực cháy nhóng nhánh trong mắt của chúng tôi như niềm vui chỉ chực trào ra, không gì ngăn được.
Tết là khi gian nhà tuềnh toàng bỗng dưng sực mùi bánh chưng, mùi giò xào, mùi kẹo lạc, mùi xôi thơm, mùi hương. Là tiếng củi nổ lách tách, tiếng pháo đì đùng, là tiếng bu mắng mỏ, là tiếng thầy cười hiền, tiếng em, tiếng anh đùa nhau lanh lảnh…
Tết là khi bu ra vườn cắt từng ôm lá mùi già, nấu nồi nước thật to để "tẩy trần" cho chị em tôi. Chúng tôi như được tẩm ướp nước hoa, ai nấy đều thơm phưng phức.
Bu bảo, tắm mùi già vào ngày cuối cùng của năm không chỉ tẩy mọi vết bẩn trên người mà còn phủi sạch nhưng xui xẻo, ốm yếu, không may mắn để đón năm mới đầy tốt lành. Tôi nhớ đôi bàn tay của bu xoa nhẹ trên đầu với biết bao nâng niu…
Chiều cuối năm, thầy sẽ mặc vào bộ áo dài màu đen trang nghiêm, đặt lên bàn thờ mâm cỗ cúng, thắp hương cho tổ tiên, ông bà. Nhớ về Tết, tôi sẽ nhớ hình ảnh thầy tôi trong tấm áo dài màu đen ấy…
Hương vị Tết của mỗi người hoàn toàn khác nhau. Nó không chỉ là những phong tục tập quán, những món ăn, những nghi lễ ngày Tết mà còn là ký ức, là cảm xúc của mỗi người về Tết.
Mỗi người khác nhau sẽ có những câu trả lời khác nhau cho câu hỏi: "Tết là gì? Hương vị Tết là gì".
Với người cao tuổi như tôi, hương vị Tết vẫn là hình ảnh Tết của tuổi thơ, là những ánh lửa bập bùng của nồi bánh chưng, là hương mùi già, là tiếng pháo nổ đì đùng, là bộ quần áo mới, là chiếc guốc sơn son, là chiếc áo dài đen của thầy, là nụ cười của bu…
Cái Tết xưa đã là quá khứ xa nhưng những hình ảnh đoàn viên, ấm áp của nhưng ngày tháng thiếu thốn vật chất mà giàu có tình yêu ấy vẫn nhóng nhánh, lấp lánh trong ký ức của tôi môi khi Xuân về.
Tết thành phố, Tết hiện đại thiếu đi rất nhiều cảm xúc có lẽ vì con người hiện đại phải sống nhanh không thể rầm rì mà đi chợ, mua lá, về tự tay gói bánh chưng, gói giò mỡ, làm kẹo lạc như ngày xưa nữa. Con người cũng không thiếu thốn để chờ đợi Tết được ăn bánh, ăn thịt như trẻ xưa. Đã thiếu đi rất nhiều háo hức, chờ mong, khao khát…
Nhưng điều đó không có nghĩa là Tết đã bị phai nhạt. Bởi những ngày Tết, con cháu vẫn bình an ở bên vợ chồng cùng ăn Tết niên, đón Giao thừa. Con trai sẵn sàng chở bố mẹ đi chợ hoa, đưa các con đi sắm quần áo mới. Con dâu vẫn sẽ vào bếp rán nem, nấu canh măng, bóc bánh chưng, luộc gà, làm cơm cúng.... Những điều mà ngày thường bận rộn, các con không mấy khi làm được.
Trong nhà, sực nức mùi Tết, màu Tết, hương vị Tết… Trong trái tim tôi cũng... rất Tết.
Cho dù biểu hiện đã khác đi nhưng Tết đoàn viên vẫn còn nguyên giá trị. Tôi sẽ không yêu cầu các con theo đuổi những giá trị Tết như ngày xưa của tôi. Miễn là các con cảm thấy thoải mái và ấm áp, vui vẻ và thư giãn là được.
Chỉ cần các con cháu được nghỉ ngơi, gia đình có nhiều thời gian ở bên nhau hơn, quan tâm, chia sẻ với nhau nhiều hơn thì đó chính là cái Tết đoàn viên tốt nhất.
Nhằm tạo cơ hội cho những người con từng phải đón Tết xa quê vì dịch bệnh, vì công cuộc mưu sinh… trải lòng về những cảm xúc, tâm tư, nỗi niềm được đoàn viên cùng gia đình trong dịp Tết Quý Mão và cả những câu chuyện mình trải qua hoặc chứng kiến về Tết đoàn viên, báo điện tử Dân Việt tổ chức cuộc thi viết "Tết đoàn viên". Với cuộc thi này, Ban Tổ chức sẽ nhận tất cả các bài viết thuộc các thể loại: phản ánh, ghi chép, bút ký, tản mạn chưa đăng tải trên bất kỳ phương tiện truyền thông nào. Các bài dự thi viết bằng tiếng Việt, có kèm hình ảnh, chưa từng đăng trên ấn phẩm báo chí nào. Các bài viết gửi về tòa soạn báo điện tử Dân Việt theo địa chỉ email banvhxh.ntnn@gmail.com trong thời gian 13 ngày, từ ngày 18/1 (tức 27 Tết) tới hết ngày 31/1 (tức mồng 10 Tết Nguyên đán Quý Mão), điện thoại liên hệ: 0979270846. Các bài viết có độ dài tối thiểu 600 chữ, tối đa 1.500 chữ, kèm theo ít nhất 2 - 3 ảnh thực tế phản ánh trong bài viết, có chú thích rõ ràng.
Các bài dự thi gửi về tòa soạn phải ghi rõ tiêu đề "Bài dự thi "Tết đoàn viên" của báo Dân Việt", trong đó ghi rõ họ tên, tuổi, số CMT hoặc CCCD, địa chỉ (rõ ràng để có thể liên hệ), số điện thoại và tài khoản ngân hàng. Trong trường hợp tác phẩm được đăng tải, Tòa soạn có thể gửi nhuận bút cho các tác giả ở xa thuận lợi nhất.
Ban Tổ chức sẽ lựa chọn những bài viết chất lượng nhất để đăng tải trên báo điện tử Dân Việt, sau đó tiến hành chấm giải với những bài được đăng và làm lễ trao giải sau Tết. Các bài đoạt giải sẽ được công bố trên báo điện tử Dân Việt.
Thông tin thêm về thể lệ cuộc thi tại đây.
No comments