Bài dự thi Tết đoàn viên: Bếp Tết
Thi thoảng má lại đem câu chuyện xưa xa lắc này ra kể cho mấy chị em tôi nghe. Xong cũng tự mình tặc lưỡi: Người ta nói "con gái ăn cơm nguội ở nhà ngoài" vậy chứ không có phụ nữ mình sớm khuya nhóm bếp ngày hai bữa cơm nước, vun vén trước sau thì đâu còn gọi là nhà.
Từ hồi biết chuyện, tôi đã thấy chái bếp của má ấm lửa quanh năm. Những ngày năm hết Tết đến dường như lại càng tất bật, bận rộn hơn nữa. Tùy theo điều kiện của từng năm, bằng cách nào đó, má luôn cắt đặt mâm cơm Tết sao cho thật tinh tươm. Má nói, thì trước cúng sau cấp, trên có ông bà quá cố dưới còn anh em họ hàng thân quyến ngồi lại hàn huyên, nên bữa cơm tất niên phải biện bày coi sao cho được.
Vậy là từ những món đơn sơ của những ngày còn nhiều túng thiếu, má đã tiệm tụng chắt mót để có được nồi bánh tét đủ hai nhân cùng xoong thịt kho nước dừa vàng nâu bắt mắt để dành cho Tết. Đó gần như là món ăn linh hồn của một mâm cơm Tết ở miền Tây quê tôi. Những năm lúa thóc trúng mùa, có được ít đỉnh dư ra má còn mua cải tùa xại, củ kiệu mần dưa. Hầm thêm một nồi khổ qua cầu cho một năm mới no ấm hanh thông là gia đình đã có một bữa cơm tất niên đúng điệu.
Không giống như niềm vui thơ trẻ của đám con nít nhà quê luôn mong Tết để được những phong lì xì đỏ hay được mặc quần áo mới. Những bộ đồ tùng xòe đầy màu sắc hoa lá có phần diêm dúa nhưng trong mắt lũ nhỏ chúng tôi lại là những bộ cánh thật rực rỡ mà nếu được má mua cho mặc Tết thì thật là không còn nỗi sung sướng nào sánh bằng. Khôn lớn rồi niềm vui thích ấy giảm đi. Dường như những xênh xang bên ngoài không đủ làm lòng người thổn thức. Chỉ có mùi khói tỏa ra từ chái bếp ấm mùi củi lửa là thi thoảng nhắc nhở tôi nhớ về ký ức, nhất là những ngày năm cùng tháng tận, để rồi thấy mắt mình cay xè.
Như có lần mãi đến chiều 29 Tết tôi mới phờ phạc dắt xe rời khỏi chỗ làm. Bao năm chữ nghĩa áo cơm biền biệt, tưởng mình không nhớ nhà đâu, thong thả rồi về chắc vẫn kịp ăn bữa cơm chiều 30 Tết cùng ba má. Cho tới khi đi giữa dòng người đang nô nức về quê ăn Tết, lướt qua những khu chợ hoa xuân chật kín người mua kẻ bán và nhất là trong buổi chiều lao xao gió bấc như vậy bất chợt bắt gặp làn khói tỏa từ chái bếp nhà ai thì bao kỷ niệm về những mùa Tết được lăng xăng phụ má nấu nướng nhất loạt ùa về. Đó là lúc lòng tôi quay quắt nhớ, khao khát thèm trở về bên gian bếp ấm và ngồi xuống bữa cơm sum họp.
Tôi nhớ bà nội tôi ngồi trước hàng ba nhai trầu, thỉnh thoảng đưa hai tay lên vuốt vành môi lem nước đỏ, hai mắt mờ nhòa trắng dã vẫn mải miết nhìn ra xa con đường đất trước nhà để ngóng cháu con. Tôi nhớ ba tôi lặng lẽ ngồi cọ cặp lư đồng, đôi bàn tay gân guốc cứ đều đều xát cho đến khi bóng loáng. Và tôi nhớ má tôi nheo mắt vì khói đứng nếm nồi lẩu cù lao coi đã vừa vị. Tấm lưng cong cong khòm xuống châm thêm củi vào nồi thịt kho tàu...
Và bao giờ cũng vậy, vừa tay xắt tay xào nêm nếm má lại vừa nhũn nhặn kể chuyện thời xưa. Thời ông bà tổ tiên còn nghèo, Tết chứ cũng không được món gì ngon mà thưởng thức. Nhắc nhớ về cội rễ mà cũng là biết bao lời gửi gắm dành cho chị em tôi. Trong lúc mâm cơm được dọn lên bàn thờ với đủ đầy sắc hương vị thơm ngon, mùi nhang trầm giữa buổi chiều những thành viên trong gia đình tề tựu kể chuyện năm qua, mong ước cho năm sau phấn khởi hơn luôn là thời khắc thiêng liêng, giản đơn mà vô cùng ấm cúng. Trong không gian đó, tôi thấy mình lớn lên thêm. Và càng lớn càng bớt vô tư, không còn phung phí những khoảng thời gian được ở cạnh tình thân cũng là cội nguồn nâng đỡ.
Rồi thì tuổi già, ông bà nội tôi dần tạ thế. Chị gái lấy chồng xa, bữa cơm chiều cuối năm dần ít người hơn. Năm nào cũng vậy, hễ nghe gió bấc lao xao là má lại điện lên bảo tôi tranh thủ về sớm để cùng má nấu mâm tất niên ngày Tết. Đó cũng là lúc tôi được nhắc nhở về sự trở về. Về bên chái bếp đơn sơ những ngày cạn Chạp để lắng nghe nỗi nhọc nhằn của má. Mặc bao đủ thiếu, má đã luôn chắt chiu từng chút hạnh phúc cho gia đình từ căn bếp âm ỉ ấm, từ những món đơn sơ nhất má làm.
Cuộc sống bây giờ quả có đủ đầy và tiện nghi hơn nhưng tôi tin niềm hạnh phúc luôn khởi nguồn từ những điều giản dị. Như tôi vẫn nhớ hoài nhớ hoài mùi Tết từ chái bếp lúc nào cũng ngổn ngang, treo lỉnh kỉnh nồi niêu xoong chảo của má để nhắc nhở mình cuộc vui bên ngoài nào rồi cũng chóng tàn. Chỉ có những cái Tết sum vầy và đầm ấm bên gia đình là thiêng liêng, đáng cho mỗi người trân trọng và gìn giữ. Sau cùng, chỉ có tình yêu thương mới đủ sức làm ấm tâm hồn bên trong, để dù có phải xô dạt đến bất kỳ đâu, ta luôn như thấy mình được nâng đỡ, để nhẹ nhõm mà đi qua hết thảy nhọc nhằn.
Nhằm tạo cơ hội cho những người con từng phải đón Tết xa quê vì dịch bệnh, vì công cuộc mưu sinh… trải lòng về những cảm xúc, tâm tư, nỗi niềm được đoàn viên cùng gia đình trong dịp Tết Quý Mão và cả những câu chuyện mình trải qua hoặc chứng kiến về Tết đoàn viên, báo điện tử Dân Việt tổ chức cuộc thi viết "Tết đoàn viên". Với cuộc thi này, Ban Tổ chức sẽ nhận tất cả các bài viết thuộc các thể loại: phản ánh, ghi chép, bút ký, tản mạn chưa đăng tải trên bất kỳ phương tiện truyền thông nào. Các bài dự thi viết bằng tiếng Việt, có kèm hình ảnh, chưa từng đăng trên ấn phẩm báo chí nào. Các bài viết gửi về tòa soạn báo điện tử Dân Việt theo địa chỉ email banvhxh.ntnn@gmail.com trong thời gian 13 ngày, từ ngày 18/1 (tức 27 Tết) tới hết ngày 31/1 (tức mồng 10 Tết Nguyên đán Quý Mão), điện thoại liên hệ: 0979270846. Các bài viết có độ dài tối thiểu 600 chữ, tối đa 1.500 chữ, kèm theo ít nhất 2 - 3 ảnh thực tế phản ánh trong bài viết, có chú thích rõ ràng.
Các bài dự thi gửi về tòa soạn phải ghi rõ tiêu đề "Bài dự thi "Tết đoàn viên" của báo Dân Việt", trong đó ghi rõ họ tên, tuổi, số CMT hoặc CCCD, địa chỉ (rõ ràng để có thể liên hệ), số điện thoại và tài khoản ngân hàng. Trong trường hợp tác phẩm được đăng tải, Tòa soạn có thể gửi nhuận bút cho các tác giả ở xa thuận lợi nhất.
Ban Tổ chức sẽ lựa chọn những bài viết chất lượng nhất để đăng tải trên báo điện tử Dân Việt, sau đó tiến hành chấm giải với những bài được đăng và làm lễ trao giải sau Tết. Các bài đoạt giải sẽ được công bố trên báo điện tử Dân Việt.
Thông tin thêm về thể lệ cuộc thi tại đây.
No comments