Bài dự thi Tết đoàn viên: Đừng bỏ lỡ những ngày bên nhau
Bạn bắt đầu câu chuyện như thế khi tôi hỏi "Tết này có về không?". Rồi bạn kể: "Sau cuộc hôn nhân tan vỡ, mình rời quê chồng, ôm con về nương nhờ bố mẹ đẻ. Người đàn ông vô trách nhiệm kia còn không có lấy một lần đến thăm, nói chi tới chu cấp hay mua cho con đồng quà tấm bánh.
Thương bố mẹ có tuổi rồi vẫn còn nặng gánh, mình quyết định chạy chọt đi Nga mong cuộc sống có chút sáng sủa hơn.
Nhưng "đi Tây" sung sướng và giàu có với ai chẳng biết chứ chưa bao giờ với những người lao động phổ thông, nhất lại là lao động "chui" như mình.
Mình làm công nhân may ở một "xưởng đen", nghĩa là xưởng không được cấp giấy phép hoạt động. Gọi là xưởng nhưng thực ra nó ở trong những gara ô tô bỏ hoang, những container cũ, thậm chí trong chuồng trại nuôi bò...
Mình cũng không có đủ giấy tờ hợp pháp để đi lại tự do nên chỉ suốt ngày cắm mặt vào cái máy may rồi ăn ở ngay tại xưởng. Thực sự thì mọi người không thể hình dung nổi cuộc sống ở đây như thế nào đâu: chật chội, bẩn thỉu và vô cùng tạm bợ. Tất cả mọi hoạt động làm việc, ăn, ngủ, nấu nướng và cả vệ sinh cá nhân đều diễn ra trong cái container bé như hộp diêm ấy. Mình chỉ có thể miêu tả bằng từ: kinh khủng.
Nhưng điều đáng nói là vất vả khổ sở như vậy nhưng đổi lại thu nhập rất thấp. Sau chừng ấy năm, số tiền mình kiếm được chỉ đủ gửi về cho ông bà nuôi cháu ăn học, còn dư lại cũng không đáng kể. Vậy nên đã nhiều lần muốn buông bỏ mà rồi cứ lần lữa mãi vì không muốn về trong cảnh trắng tay.
Mùa đông nước Nga năm nay cũng thật khắc nghiệt, gần như ngày nào cũng có tuyết rơi. Lạnh đến thấu tim gan những người xa xứ.
Suốt mấy tháng, công việc của mình ở xưởng may chỉ cầm chừng. Chiến tranh giữa Nga và Ukraina làm vật giá leo thang, đồng đô la thì trồi sụt thất thường khiến cuộc sống cũng bấp bênh theo. Nhìn về tương lai thấy mịt mờ thăm thẳm.
Muốn về Việt Nam thì cũng cố được, nhưng sau bấy nhiêu năm xuất ngoại mà trở về trong tình cảnh thất thế như vậy thì tự mình thấy vô cùng xấu hổ và cả tủi thân nữa".
Tôi hỏi bạn có thèm món Tết gì không để tôi gửi sang cho. Bạn nói ở bên đó cũng đi mua được khá đầy đủ ở khu chợ dành cho người Việt nhưng vẫn thấy nhớ món hành củ muối chua, loại hành tím được trồng trên chính đồng đất quê mình.
Quê tôi và bạn là một tỉnh thuộc đồng bằng Bắc bộ nên có một mùa đông lạnh và khô. Loại khí hậu đặc trưng này rất thích hợp cho việc trồng hành. Thời điểm thu hoạch thường là trước Tết khoảng gần một tháng. Đi đến nhà nào cũng thấy cơ man là hành, tỏi phơi đầy ngoài sân, treo gác bếp và la liệt trong từng xó cửa, nền nhà.
Các công đoạn muối hành khá đơn giản. Ngày xưa khi còn ở nhà, tôi và bạn hay giúp cha mẹ muối hành ăn Tết. Những củ hành già đủ độ tròn căng, sau khi cắt rễ được đem đi phơi nắng cho se vỏ. Sau đó ngâm với nước tro bếp chừng nửa ngày, vớt ra rửa sạch rồi ngâm tiếp với nước muối nhạt, rửa sạch lần nữa để ráo rồi xếp vào dụng cụ muối, trên bề mặt được gài chặt bằng vỉ tre, kỹ hơn thì nén thêm bằng một viên đá cuội cỡ lớn. Bước cuối cùng là dội nước muối đã được đun sôi để nguội và gạn cặn từ trước vào sao cho ngập hành.
Tôi nhớ hồi đó tôi và bạn hay thi với nhau xem đứa nào muối hành giòn và ngon hơn, ý là đảm đang hơn sẽ dễ lấy chồng. Nói vui với nhau vậy rồi cả hai cùng cười khúc khích, cười đến chảy nước mắt như kiểu bị hành cay xộc lên vậy.
Rồi cũng chẳng phân định được ai khéo hơn ai nhưng bạn đã đi lấy chồng trước tôi. Vì mải học hành thi cử nên tôi cũng muộn chuyện gia đình. Sau này sống ở nơi xa thi thoảng về quê, đôi ba lần gặp nhau nghe chuyện bạn lỡ làng như thế, tôi cũng thấy buồn.
"Là mình nói vậy thôi - bạn lại tiếp tục - chứ đừng có gửi hành sang đây làm gì! Tình hình chiến tranh và các chuyến bay bị hạn chế như thế này chẳng có ai sang mà gửi dịch vụ thì khó khăn mà cước đắt nữa".
Tôi ngập ngừng nói với bạn: "Hay là về đi! Con gái cũng lớn rồi, ở cái tuổi dở ương này nó cần mẹ hơn bao giờ hết. Tết năm ngoái mình có đến chơi, thấy ông bà cũng đã già yếu hơn... Đừng xấu hổ hay tủi thân gì cả, ai cười mặc ai. Mà thực ra cũng chẳng ai cười đâu, là bạn cứ cả nghĩ mà thôi! Đừng để một lúc nào đấy phải hối tiếc vì đã bỏ lỡ rất nhiều khoảnh khắc quan trọng được ở bên gia đình".
Ở đầu dây bên kia, bạn im lặng, hồi lâu mới cất tiếng: "Mình sẽ suy nghĩ lại lời bạn nói, cứ chuẩn bị thật nhiều hành muối nhé! Nếu về mình thì sẽ qua Hà Nội vào nhà bạn để xin".
Bỗng dưng tôi thấy mắt mình cay cay như có vị hăng của hành tím bắn vào.
Nhằm tạo cơ hội cho những người con từng phải đón Tết xa quê vì dịch bệnh, vì công cuộc mưu sinh… trải lòng về những cảm xúc, tâm tư, nỗi niềm được đoàn viên cùng gia đình trong dịp Tết Quý Mão và cả những câu chuyện mình trải qua hoặc chứng kiến về Tết đoàn viên, báo điện tử Dân Việt tổ chức cuộc thi viết "Tết đoàn viên". Với cuộc thi này, Ban Tổ chức sẽ nhận tất cả các bài viết thuộc các thể loại: phản ánh, ghi chép, bút ký, tản mạn chưa đăng tải trên bất kỳ phương tiện truyền thông nào. Các bài dự thi viết bằng tiếng Việt, có kèm hình ảnh, chưa từng đăng trên ấn phẩm báo chí nào. Các bài viết gửi về tòa soạn báo điện tử Dân Việt theo địa chỉ email banvhxh.ntnn@gmail.com trong thời gian 13 ngày, từ ngày 18/1 (tức 27 Tết) tới hết ngày 31/1 (tức mồng 10 Tết Nguyên đán Quý Mão), điện thoại liên hệ: 0979270846. Các bài viết có độ dài tối thiểu 600 chữ, tối đa 1.500 chữ, kèm theo ít nhất 2 - 3 ảnh thực tế phản ánh trong bài viết, có chú thích rõ ràng.
Các bài dự thi gửi về tòa soạn phải ghi rõ tiêu đề "Bài dự thi "Tết đoàn viên" của báo Dân Việt", trong đó ghi rõ họ tên, tuổi, số CMT hoặc CCCD, địa chỉ (rõ ràng để có thể liên hệ), số điện thoại và tài khoản ngân hàng. Trong trường hợp tác phẩm được đăng tải, Tòa soạn có thể gửi nhuận bút cho các tác giả ở xa thuận lợi nhất.
Ban Tổ chức sẽ lựa chọn những bài viết chất lượng nhất để đăng tải trên báo điện tử Dân Việt, sau đó tiến hành chấm giải với những bài được đăng và làm lễ trao giải sau Tết. Các bài đoạt giải sẽ được công bố trên báo điện tử Dân Việt.
Thông tin thêm về thể lệ cuộc thi tại đây.
No comments