Đêm thơ Nguyên tiêu tại Hoàng thành Thăng Long: Khơi lại niềm kiêu hãnh của thi ca
Thơ ca hãy đứng về phía con người
Sau 2 ngày mưa rào, tối 5/2, tức Rằm tháng Giêng năm Quý Mão, bầu trời Hà Nội trở nên tạnh ráo. Khí hậu trong lành hoà cùng vẻ đẹp thiên nhiên của Hoàng thành Thăng Long những ngày đầu năm giúp đêm thơ Nguyên Tiêu tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) trở nên trọn vẹn và có phần viên mãn.
Đêm thơ khai mạc vào lúc 19h30 với phần phát biểu ngắn gọn và giàu cảm xúc của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định niềm tự hào khi năm 2022, UNESCO đã vinh danh nhà thơ Hồ Xuân Hương và nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu là nhà thơ, nhà văn hoá lớn của nhân loại. Trước đó, năm 1990, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, UNESCO đã vinh danh là "Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam", nhân danh và cùng kỷ niệm những nhà văn hoá lớn như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du... Sự vinh danh đó cho thấy sứ mệnh của những nhà thơ Việt Nam, những nhà văn hoá lớn của Việt Nam và sự đóng góp của họ trong việc tạo ra những giá trị tinh thần nhân văn cao cả cho dân tộc Việt Nam cho nhân loại.
"Thơ ca đi qua mọi thách thức, mọi đe doạ và đi qua cả cái chết trong chiến tranh vệ quốc để mang vẻ đẹp và niềm kiêu hãnh bước vào từng ngôi nhà trong xứ sở chúng ta, để nhóm lên ngọn lửa của tình thường yêu vô tận con người. Vào thời khắc này, xin các nhà thơ và những người yêu thơ trên xứ sở chúng ta hãy cùng nhau viết một bài thơ - bài thơ của tình yêu thương của con người, của lương tri, của giấc mơ tự do và hy vọng, bằng những cách riêng của trái tim mình. Thơ ca hãy đứng về phía con người, hãy vinh danh con người và hãy bảo vệ con người" - ông Nguyễn Quang Thiều bày tỏ.
Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định vai trò của thi ca trong tiến trình lịch sử của dân tộc: "Hiếm dân tộc nào trên thế giới mà trong lịch sử phải đương đầu với nhiều cuộc chống xâm lăng như dân tộc Việt Nam ta. Thực tiễn lịch sử cho thấy, hiếm dân tộc nào lãng mạn như dân tộc Việt Nam. Chúng ta có tướng soái làm thơ, có chiến sĩ là nhà thơ, và những vị vua là nhà thơ. Chúng ta đã chứng kiến biết bao chiến sỹ cách mạng cũng là những nhà thơ tiêu biểu của đất nước, của dân tộc. Thơ ca được làm ở các lao tù của đế quốc, thơ ca được sáng tác trên suốt chặng đường hành quân của cán bộ, chiến sỹ và nhân dân ta".
Ông cũng nêu rõ: "Tôi mong muốn các tác phẩm của các nhà thơ vươn ra khỏi địa giới quốc gia để sánh vai và hoà mình cùng với nền văn học trên thế giới. Mỗi tác phẩm văn học phải là một sứ giả của văn học Việt Nam trong thời đại mới. Mỗi tác phẩm là một tiếng nói xác lập tư cách, vị thế của dân tộc ta, đất nước ta trong mắt bạn bè quốc tế".
Sau tiếng trống Khai mạc Ngày thơ Việt Nam lần thứ XXI của đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, pháo hoa được bắn lên để chào mừng sự kiện, cho thấy sự đầu tư hoành tráng và kỹ lưỡng của Đêm thơ Nguyên Tiêu so với các năm trước đây. Đó dường như cũng là thông điệp về khao khát đưa thi ca trở lại vị trí và niềm kiêu hãnh như nó vốn có, sau những sự mai một và quên lãng.
Những tín hiệu vui từ Đêm thơ Nguyên Tiêu
Đêm thơ Nguyên Tiêu đã diễn ra đầy cung bậc cảm xúc với 21 tác phẩm, chia thành 4 chương lớn: Thơ mới và thơ trong kháng chiến chống Pháp; Thơ trong kháng chiến chống Mỹ; Thơ thời kỳ đổi mới và Thơ trẻ. Có thể kể tới các tác phẩm như "Giá từng thước đất" (Chính Hữu), "Biển" (Xuân Diệu), "Đường chúng ta đi" (Xuân Sách), "Về Hương Sơn năm sơ tán ấy" (Bằng Việt), "Con đường" (Phan Thị Thanh Nhàn), "Không chạm tới cuộc đời" (Nguyễn Bình Phương); "Sóng trầm biển dựng" (Đoàn Văn Mật), "Tôi viết cho dân tộc tôi" (Lý Hữu Lương)…
Bên cạnh các phần đọc thơ, chương trình còn có phần trình diễn những ca khúc nổi tiếng được phổ nhạc từ các bài thơ như "Đường chúng ta đi" (thơ Xuân Sách, nhạc Huy Du); "Thơ tình cuối mùa thu" (thơ Xuân Quỳnh, nhạc Phan Huỳnh Điểu); "Mơ về nơi xa lắm" (nhạc Phú Quang, thơ Thái Thăng Long), đem lại nhiều cảm xúc cho khán giả…
Ở tuổi 80, nhà thơ Hữu Thỉnh xuất hiện trên sân khấu và truyền cảm hứng cho nhiều người khi đọc tác phẩm do ông sáng tác. Ông chia sẻ: "Tôi rất xúc động khi tham dự ngày thơ lần thứ 21, và chứng minh một điều mà Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khoá 10 đã họp bàn và quyết định. Ngày thơ Việt Nam đã dần trở thành một lễ hội mới với người yêu thơ trong cả nước. Những gì tôi chứng kiến từ sáng tới nay cho thấy Ngày thơ Việt Nam sống động hơn, đa dạng hơn, đáp ứng nhu cầu thưởng thức thơ ca của công chúng".
Nhà thơ Hữu Thỉnh trình bày tác phẩm "Gởi từ đảo nhỏ". (Clip: Khánh Yến)
Trao đổi với Dân Việt ngay tại sự kiện, nhà thơ Lữ Mai cho biết: "Gắn bó với Ngày thơ Việt Nam trên 10 năm, tôi cảm nhận rõ không khí hứng khởi mà sự kiện mang lại. Đó thực sự trở thành ngày hội không chỉ cho người sáng tác, bạn đọc mà thu hút cả du khách trong và ngoài nước có thể chưa biết tới thơ ca hoặc hiểu sâu sắc về thơ ca.
Cội nguồn dân tộc ta bắt nguồn từ ca dao, thơ phú và dù đời sống hiện đại, đầy đủ mức nào thì thơ ca vẫn hiện diện như một dòng chảy xuyên suốt. Đáng mừng là Ngày thơ Việt Nam những năm gần đây không chỉ được tổ chức tại Hà Nội mà còn ở nhiều tỉnh thành trong cả nước, điều đó mang lại giá trị về văn hóa, bản sắc rất riêng.
Riêng tôi, dù sự kiện đã trở nên quen thuộc nhưng cảm giác khấp khởi vẫn ùa về. Đây là dịp gặp gỡ nhiều bạn viết, chia sẻ những tin vui mùa xuân và cùng hy vọng vào một năm mới nhiều sáng tạo, nỗ lực hơn nữa. Khởi đầu một năm là mùa xuân, khởi đầu mùa xuân là câu chuyện của thi ca, tín hiệu ấy cho ta niềm tin vào những giá trị cốt lõi và nhân văn trong cuộc sống".
Nhà thơ Lữ Mai cũng cho biết, chị đánh giá cao sự sáng tạo trong Ngày thơ Việt Nam năm nay: "Sự hỗ trợ của các hiệu ứng về âm thanh, ánh sáng, các hình thức nghệ thuật khác đã góp phần đáng kể vào tôn vinh thơ ca. Không gian của Đường Thơ, Đường Sách, Cây Thơ, Nhà ký ức... mang lại cho công chúng nhiều sự xúc động trong cách thưởng thức, cảm nhận thơ ca. Tôi nghĩ rằng sự đổi mới nay là một gợi ý về sự kiến tạo, thay đổi không gian để thơ ca đến với công chúng một cách gần gũi hơn, thú vị hơn, và thu hút cả du khách, những người chưa thực sự hiểu biết, mặn mà với thơ ca".
Bà Ngô Thị Hoàng Yến (sinh năm 1960 tại Hà Nội) cho biết, bà đã nhiều năm có mặt tại ngày thơ Việt Nam, nhưng năm nay là một sự kiện đặc biệt và đáng nhớ: "Những năm trước, ngày thơ được tổ chức tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, sự kiện có phần gói gọn hơn, cách thể hiện cũng không phong phú như các hoạt động năm nay. Là một người yêu thơ, tôi vô cùng xúc động khi đứng giữa không gian của Hoàng thành Thăng Long, được nghe các nhà thơ, nghệ sĩ thể hiện những tác phẩm đầy cảm xúc. Tôi luôn tin thi ca có giá trị riêng với nhiều thế hệ, bản thân tôi cũng thường xuyên viết các bài thơ để chia sẻ cảm xúc của chính mình".
Đêm thơ Nguyên Tiêu cho thấy sự nỗ lực của Hội Nhà văn Việt Nam trong việc để thi ca đến gần hơn với công chúng. Sự xuất hiện của nhiều tầng lớp khán giả, đặc biệt là những người trẻ, cho thấy thi ca vẫn luôn hiện hữu trong đời sống này, chỉ cần được quan tâm và nuôi dưỡng.
No comments