Những cuộc di cư hoang dã phi thường trong Our Planet
Đó là chủ đề chính phần 2 Hành tinh của chúng ta (Our Planet) mà Sir. David Attenborough – linh hồn của loạt phim – gửi đến người xem.
Bốn năm trước, loạt phim tài liệu dài 8 tập Hành tinh của chúng ta gây ấn tượng mạnh mẽ với người xem nhờ ghi lại những vẻ đẹp kì vĩ của thiên nhiên, sự đa dạng của giống loài đồng thời đưa ra những lời cảnh báo về sự nóng lên toàn cầu, nhiều môi trường sống bị hủy diệt và nhiều loài đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng…
Thông điệp của phần 1 mang tính thức tỉnh: “Hãy cứu lấy hành tinh của chúng ta trước khi quá muộn”.
Phần 2 củaOur Planet, dài 4 tập, vừa ra mắt trên Netflix, tiếp tục mang đến những hình ảnh choáng ngợp và ngoạn mục kể về những cuộc di cư theo mùa của động vật hoang dã trên Trái Đất và tác động tiêu cực của thời tiết, con người đến hành trình của chúng.
OUR PLANET II | Official Trailer | Netflix
Những cảnh tượng ngoạn mục trong Our Planet
Sir. David Attenborough, năm nay đã 97 tuổi, mở đầu loạt phim với giọng dẫn chuyện ấm cúng quen thuộc, rằng: “60.000 năm trước, con người được thấy lần đầu tiên rời châu Phi. Kể từ đó, chúng ta không dừng lại mà đi khắp nơi trên Trái Đất.
Nhưng hành trình của chúng ta chỉ là một trong nhiều cuộc hành trình. Tại bất kỳ thời điểm nào, hàng tỉ động vật đang di chuyển. Và chúng phải chấp nhận những rủi ro trên đường đi”. Loạt phim tiếp tục ghi lại những cuộc hành trình phi thường trong một thế giới thay đổi nhanh hơn bao giờ hết.
Các tập phim, thay vì được chia theo từng lục địa như phần 1, thì được chia theo từng tháng trong năm theo tập tính di cư của từng loài, với 4 tập phim: Thế giới di chuyển, Đi theo ánh mặt trời, Thế hệ kế tiếp và Tự do tung hoành.
Ở mỗi tập, là những cảnh tượng ngoạn mục của các cuộc di cư với những hình ảnh sắc nét đến khó tin, đôi khi lên tới hàng ngàn, hàng triệu và thậm chí… hàng tỉ cá thể.
Botswana nằm ở phía Nam châu Phi, sự nóng lên của thời tiết khiến nhiều công viên rộng lớn phủ đầy cây xanh giờ đây trở nên khô, nóng và cằn cỗi. Sự thay đổi này đã thúc đẩy động vật di chuyển hàng loạt, trong đó có một đàn trâu rừng khổng lồ lên đến hơn 10.000 con.
Đàn trâu rừng lớn nhất châu Phi này đều có cuộc hành hương hàng năm như thế đến một đầm lầy hẻo lánh để uống nước. Và một đàn sư tử săn mồi đang chực chờ sẵn… Trâu di cư chỉ là một trong hàng triệu loài di cư xảy ra theo mùa. Và các mùa là hệ quả của một hành trình khác.
“Hành tinh của chúng ta chuyển động quanh mặt trời trong năm. Khi Trái Đất di chuyển, nó nghiêng một góc 23 độ rưỡi, và chính điều này đã tạo nên các mùa trên Trái Đất”, sir. David cho biết.
Một trong những cuộc di cư ngoạn mục nhất được ghi lại là đàn châu chấu. Khi thảm thực vật phát triển rực rỡ nhờ thời tiết ấm lên vào cuối tháng 3 ở Ethiopa, châu chấu nhanh chóng chuyển sang chế độ bầy đàn.
Chúng di chuyển và tiếp tục bùng nổ về số lượng, ăn sạch thức ăn trên đường. Để đi xa hơn, chúng phải thay đổi hình dạng, bằng cách mọc cánh và bay lên trời, kết hợp với nhau để tạo thành một đàn siêu đông.
Nhóm làm phim đã ghi hình một đàn châu chấu đông nhất trong 70 năm qua, với ước tính khoảng 200 tỉ con, gần như phủ kín cả bầu trời nơi chúng bay đến. Chúng bay xa hơn và nhanh hơn để kiếm thức ăn, mỗi ngày ước tính di chuyển khoảng 100 cây số. Chúng bay từ nước này sang nước khác và đáng kinh ngạc hơn, còn bay qua biển đỏ.
Đây là lần đầu tiên một đàn châu chấu đã vượt qua dãy Himalaya và đến Tây Tạng, đi đến đâu mang theo sự hỗn loạn đến đó. Và khi thức ăn biến mất, chúng cũng biến mất.
Trong khi đó, cuộc di cư để sinh sản của đàn cá hồi đỏ ở Bắc Mỹ cũng để lại những ấn tượng khó quên. Cá hồi bơi ngược dòng để sinh sản được xem là hành trình lạ thường nhất trong thế giới động vật.
Chúng bơi hàng trăm cây số từ đại dương ngược về hồ nước ngọt nhờ từ trường của Trái Đất chỉ đường. Và trong tháng tiếp theo, chúng sẽ bơi ngược dòng thêm 200 cây số nữa, để đẻ trứng ở hồ nước ngọt Iliamna.
Đó là hành trình cuối cùng mà các con cá hồi này phải thực hiện. Khi vào sông, chúng ngừng ăn, dồn hết sức lực để bơi ngược dòng. Những ghềnh và thác nước cao không ngăn được chúng. Sang tuần thứ 4, chúng chuyển thành màu đỏ, đây là màu sinh sản.
Trên hành trình tiếp theo đến hồ nước ngọt cách 100 cây số, cá hồi đỏ sẽ gặp loại gấu săn mồi ở Bắc Mỹ, chờ đợi đàn cá hồi để chuẩn bị vỗ béo cho cả mùa Đông. Trong quá trình di cư, một con gấu có thể ăn tới 40 con cá hồi mỗi ngày.
Cuối cùng, những con cá hồi sống sót cũng đến được thượng nguồn hồ Ilimana để đẻ trứng. Đàn cá hồi đỏ đã không ăn trong 8 tuần, nhưng chúng vẫn nhanh nhẹn thoát được cuộc săn mồi của hải cẩu nước ngọt, một thử thách sinh tử khác trên đường đi.
Bị tơi tả và bầm dập sau hành trình dài, cuối cùng chúng cũng đến được nơi cần đến. Con đực và con cái kết đôi để giao phối duy nhất một lần trong đời.
Chúng đã cống hiến mọi thứ để hoàn thành chuyến đi hoành tráng này và kết thúc cuộc đời tại đó. Các chất từ cơ thể bị phân hủy của cá hồi đỏ cung cấp dinh dưỡng cho nước như sự hy sinh để đảm bảo thế hệ tiếp nối.
Và những cảnh báo nguy cấp
Những cảnh báo về tác động của môi trường sống do con người gây ra dù không mạnh mẽ và gay gắt như phần 1 của loạt phim, nhưng không vắng mặt trong phần 2, được lồng khéo léo qua những thử thách nghiệt ngã, đôi khi bi kịch trên hành trình di cư hoang dã.
Trái Đất nóng lên khiến băng tan nhanh hơn ở Bắc Cực, làm tổn thương loài hải mã và gấu trắng trên hành trình kiếm ăn. Còn rác thải nhựa đã trôi dạt đến những nơi xa xôi nhất của Trái Đất và làm tổn hại đến loài hải âu Laysan ở phía Tây Bắc đảo Hawaii.
Những con chim non phải chờ đợi hàng tuần để bố mẹ mang thức ăn về. Và trong thức ăn được lấy từ cuống họng của bố mẹ chúng lẫn nhiều rác thải nhựa. Cơ thể chúng bị yếu dần, cuối cùng trở thành mồi săn của cá mập di cư theo mùa ở đây.
Sự nóng lên của khí hậu khiến một gia đình voi rừng ở Trung Quốc mất nơi sinh tồn, buộc phải di chuyển khỏi cánh rừng quen thuộc vì hạn hán kéo dài.
Đàn voi phải mất hơn 2 năm, di chuyển qua 1.000 cây số, thậm chí xuyên qua làng mạc, thành phố, gây ra nhiều tổn hại trên đường đi. Cuối cùng, nhờ sự giúp đỡ dân địa phương, chúng đã đến một khu rừng phía Nam.
Trong khi đó, hành trình di chuyển của hai mẹ con cá voi xám ngoài khơi Bắc Mỹ đã để lại một cảnh tượng ngoạn mục hiếm thấy khi chúng phải đối mặt với cuộc săn mồi mang tính bầy đàn của đàn cá voi sát thủ và cá heo đen.
Cuộc chiến sinh tồn giữa hai mẹ con cá voi xám với đối thủ đông hơn nhiều lần tạo nên một trong những cảnh phim ấn tượng nhất mà loạt phim này mang lại cho người xem…
Với nhiều loại động vật, bản năng di chuyển sẽ áp đảo, bất chấp các nguy hiểm. Nhưng dù hành trình kết thúc trong bi kịch, cũng có hàng triệu con vật đã đến đích.
Tuy nhiên, con người, bằng nhiều cách, đã thay đổi hành tinh này, cắt đứt nhiều lộ trình di cư có từ thời tổ tiên của nhiều loài động vật hoang dã và gây ra nhiều tác động tiêu cực khác.
Dù vậy, con người cũng bắt đầu nhận ra sự quan trọng của các giống loài và sự tự do di chuyển của chúng, đồng thời giúp đỡ nhiều loài động vật vượt qua những thử thách của thế giới hiện đại.
“Vì một hành tinh khỏe mạnh và kết nối, ta phải bảo vệ quyền tự do di chuyển. Và nếu làm được, hành trình sống còn của mỗi loài động vật sẽ tiếp tục”, Sir.David Attenborough kết lại loạt phim Our Planet với một lời nhắn gửi mang thức tỉnh.
No comments