Phim siêu anh hùng phá hủy nền điện ảnh?
Mới đến tháng 7, năm 2023 đã có dấu hiệu là một năm thất vọng ở phòng vé của dòng phim siêu anh hùng.
Nửa đầu năm chứng kiến doanh thu sụt giảm từ các phần tiếp theo của phim thương hiệu như Ant-Man and The Wasp: Quantumania, Shazam! Fury of the gods, Black Panther: Wakanda forever, và thậm chíThe Flash là bom xịt lớn nhất năm khi có thể lỗ đến 200 triệu USD…
Spider-Man: Across the Spider-Verse là phim thương hiệu hiếm hoi có doanh thu phần 2 vượt trội so với phần 1 (hơn 600 triệu USD so với 384 triệu USD), nhưng lại là bộ phim gây báo động về tình trạng làm việc quá sức của nhân sự ngành phim ở Hollywood.
Trailer phim Spider-Man: Across the Spider-Verse
“Những bộ phim giống hệt nhau”
Khi dòng phim siêu anh hùng là tâm điểm của phòng vé, nó đồng thời cũng là tâm điểm của cuộc tranh luận tưởng như bất tận về việc “Liệu phim siêu anh hùng có phá hủy nền điện ảnh?”.
Lập luận này được đưa ra từ những nhà làm phim đại tài và có công tạo lập nên các siêu sao điện ảnh của thời kỳ trước. Đó là Martin Scorsese (tác giả của Goodfellas, Gangs of New York, The Departed và The Wolf of Wall Street), người “nổ phát súng” đầu tiên vào năm 2019 khi thẳng thừng tuyên bố phim Marvel “không phải là điện ảnh”, mà giống như những công viên chủ đề.
Với Scorsese, phim Marvel chỉ là những bộ phim giống nhau được làm lại nhiều lần.
Khi ông phát biểu ý kiến đó, khá nhiều người hâm mộ Marvel giận dữ, cho rằng đạo diễn gạo cội đã không còn đi kịp thời đại khi chống lại dòng phim siêu anh hùng đang nổi như cồn sau thành công của Avengers: Endgame.
Thế nhưng, dường như những phần tiếp theo của Ant-Man, Black Panther trong năm nay đang góp phần chứng minh nhận định của Scorsese là đúng khi chúng gây cảm giác “những bộ phim giống nhau được làm lại nhiều lần”.
Trong Ant-Man and the Wasp: Quantumania, khi phản diện giờ đây là một thực thể đa vũ trụ, tiêu diệt một phiên bản thì vẫn còn hàng nghìn phiên bản khác, thật khó để hình dung bao giờ cuộc chiến này kết thúc.
Trên trang The Gamer, tác giả Stacey Henley – một người hâm mộ cuồng nhiệt của vũ trụ điện ảnh Marvel – cũng phải thừa nhận các bộ phim siêu anh hùng đang đi theo một khuôn mẫu cơ bản đến nhàm chán: một siêu anh hùng tốt bụng nhưng đang giằng xé chuyện gì đó, một kẻ phản diện được biện minh bởi bi kịch hoặc cơn giận, một mối nguy hiểm đe dọa toàn cầu (hoặc đa vũ trụ), một món xúp hỗn hợp của kỹ xảo điện ảnh được thực hiện bởi những nhân viên được trả lương rẻ mạt, những câu châm biếm được bắn ra không ngừng và một màn đối đầu hoành tráng ở đoạn cao trào.
Những yếu tố này, từng được nhắc đến như yếu tố hấp dẫn của dòng phim, được lặp lại quá nhiều đến mức chưa diễn ra, khán giả cũng đã đoán được.
Marvel từng thuyết phục được khán giả khi tạo ra được những nhân vật thực sự có trọng lượng và cá tính riêng, như Người Sắt hay Black Panther phần đầu. Nhưng hãng đã trượt dốc theo thời gian khi mọi bộ phim đều phụ thuộc quá mức vào khuôn khổ sẵn có.
Ở giai đoạn 4, các phim WandaVision, Shang-Chi, Black Widow, Doctor Strange 2 đều rơi vào khuôn mẫu.
Không còn ngôi sao điện ảnh?
Anthony Mackie, người đóng siêu anh hùng Falcon và Captain America da đen đầu tiên, cũng mạnh miệng đồng ý với đạo diễn Quentin Tarantino về việc phim siêu anh hùng không thể tạo ra các ngôi sao điện ảnh.
Quentin Tarantino nói ông không thể chờ ngày dòng phim siêu anh hùng mất đi độ nổi tiếng hiện tại, bởi dòng phim này đang sử dụng đạo diễn như những tay làm thuê, còn diễn viên thì không phải là ngôi sao điện ảnh.
Anthony Mackie cũng từng phát biểu vào năm 2018: “Anthony Mackie không phải là ngôi sao điện ảnh. Nhân vật The Falcon mới là ngôi sao điện ảnh. Điều đó thật kỳ cục”.
Anh phân tích thêm: “Trước đây chúng ta có Tom Cruise, Will Smith, Stallone và Schwarzenegger. Khi bạn đi xem phim, bạn đi xem phim của Stallone. Bây giờ bạn đi xem… X-Men.
Vì vậy, sự phát triển của siêu anh hùng đồng nghĩa với cái chết của ngôi sao điện ảnh.
Bây giờ, Hollywood làm phim cho những nhóm khán giả cụ thể thay vì chỉ làm những bộ phim hay.
Và đó là lý do tại sao mọi người ngừng đi xem phim, bởi vì hầu hết các bộ phim đều dở tệ”. Từ khía cạnh diễn xuất và diễn viên, cũng có quan điểm nổi trội rằng phim siêu anh hùng không thể khai thác hết năng lực diễn xuất của một diễn viên vì ép họ vào bộ khung nhân vật đơn điệu, khá một chiều về tính cách và không có quá trình xây dựng nhân vật ấn tượng.
Sally Field, người từng đóng vai dì May của Spider-Man trong The Amazing Spider-Man, cho rằng nhân vật của mình tồn tại với vai trò đơn điệu là hỗ trợ Spider-Man, với những câu thoại về chuyện giặt đồ và rất ít thông tin nền để có thể xây dựng nên một nhân vật.
Đến cả Elizabeth Olsen, một diễn viên chiếm nhiều “spotlight” trong vũ trụ Marvel khi vào vai một trong những siêu anh hùng mạnh nhất, cũng công nhận rằng từ góc nhìn của một diễn viên, có nhiều kiểu diễn xuất khác bên ngoài vũ trụ điện ảnh này.
Nhưng cô cũng bênh vực dòng phim siêu anh hùng ở chỗ dòng phim này thường có khâu thiết kế bối cảnh, thiết kế trang phục, điều hành máy quay… tuyệt vời. Nếu phủ nhận hoàn toàn dòng phim này tức là phớt lờ tài năng của hàng trăm con người ấy.
Trong số các diễn viên, có Tom Holland (đóng vai Spider-Man trong loạt phim gần nhất) cho rằng phim siêu anh hùng là “nghệ thuật thực sự”, nhưng “đắt hơn nhiều” so với những bộ phim tranh giải Oscar. Anh cũng cho rằng quá trình nhập vai của mình là tương tự, chỉ là ở chiều kích khác. Nhưng phát ngôn này không nhận được sự ủng hộ vì so sánh khập khiễng.
Natalie Portman – ngôi sao điện ảnh cả trong và ngoài vũ trụ Marvel, nhưng các vai diễn trong Marvel lại không quá thành công – nêu ý kiến bảo vệ dòng phim: “Tôi nghĩ các phim Marvel quá nổi tiếng là vì chúng thực sự rất giải trí. Mọi người cần giải trí khi họ dành thời gian nghỉ ngơi sau công việc, sau khi đương đầu với những khó khăn trong đời”.
Quan điểm của Portman khá xác đáng, nhưng cũng cần lưu ý rằng để giải trí tốt thì ít nhất phim phải hay, hoặc ít nhất cũng lôi cuốn hơn những bộ phim bị cho là nhàm chán gần đây.
Khủng hoảng nhân sự quá tải
Spider-Man: Across the Spider-Verse là một trong những phim hoạt hình hay nhất về Người Nhện, nhưng hậu trường của phim không hề êm đẹp. 100 họa sĩ đã bỏ ngang khi sản xuất phim này vì điều kiện làm việc tồi tệ.
Trên Vulture, họ mô tả trải nghiệm này là “gian khổ” và “không ngừng nghỉ”, tố cáo nhà sản xuất phim đã thay đổi kế hoạch sản xuất liên tục dẫn đến phải bỏ đi nhiều sản phẩm đã hoàn thành.
Có giai đoạn họ không có công việc gì trong vòng từ 3 đến 6 tháng, nhưng có giai đoạn lại phải làm việc hơn 11 giờ mỗi ngày, 7 ngày mỗi tuần trong suốt một năm.
Trước đó, Marvel cũng bị chỉ trích vì điều kiện công việc tồi tệ và quá tải cho đội ngũ kỹ xảo, hậu kỳ. Tình trạng này có thể là mầm mống khủng hoảng trong tương lai.
No comments