Cha đẻ Ghibli và chuỗi dài những 'kiệt tác cuối cùng'
Ở tuổi 82, đạo diễn Hayao Miyazaki – tác giả phim hoạt hình kinh điển Spirited Away của xưởng phim Ghibli – trở lại sau 4 lần tuyên bố nghỉ hưu.
Hayao Miyazaki vốn “khét tiếng” với việc quay lại làm phim sau những thông báo “giải nghệ”. Lần đầu ông tuyên bố nghỉ hưu là vào năm 1997 sau khi phim Princess Mononoke (Công chúa Mononoke) ra mắt.
Nhưng chỉ vài năm sau, ông trở lại và làm nên tác phẩm để đời Spirited Away (Vùng đất linh hồn), đem về cho studio Ghibli tượng vàng Oscar danh giá.
Và năm nay, sau 10 năm từ The Wind Rises (Nổi gió), ông ra mắt phim mới nhất The Boy and the Heron. Nhiều người nghĩ rằng Miyazaki sẽ thực sự nghỉ hưu.
Trailer phim ‘The Boy and the Heron’ của Hayao Miyazaki
Kiệt tác nào cũng có thể là cuối cùng
Chính Miyazaki từng nói ông thực sự muốn nghỉ hưu và mong muốn một cuộc sống bình lặng, xa rời ngành làm phim hoạt hình.
Nhưng chỉ không lâu sau khi The Boy and the Heron – tác phẩm được coi là cuối cùng – ra mắt tại Liên hoan phim Toronto (TIFF), Junichi Nishioka (đại diện của studio Ghibli) đã nói trên CBS News: “Ngài Miyazaki đang lên ý tưởng cho bộ phim mới nhất. Ông ấy đang trở lại studio để làm việc mỗi ngày cho tác phẩm sắp tới.
Lần này, ngài ấy sẽ không tuyên bố giải nghệ nữa mà chỉ tiếp tục làm phim như thường lệ thôi”.
Đối với Hayao Miyazaki, bộ phim tiếp theo nào của ông cũng có thể là Rondanini Pietà (Chúa được gỡ khỏi thập tự giá) – một tác phẩm điêu khắc chưa được hoàn thiện của thiên tài Michelangelo.
Các nhà sử gia cho rằng Michelangelo đã chạm khắc tác phẩm này từ năm 1552 cho đến lúc qua đời vào năm 1564, ở tuổi 88.
So với kiệt tác Madonna della Pietà (Đức mẹ sầu bi) được điêu khắc vào những năm đôi mươi của Michelangelo, ta chợt đối mặt với sự thật phũ phàng rằng thiên tài cũng không thể chiến thắng thời gian.
Trong sự nghiệp điện ảnh đồ sộ của Miyazaki liệu có tác phẩm nào sánh ngang với Madonna della Pietà? Phải chăng đó là những tác phẩm của thập niên 1980 như Nausicaa, Laputa, Totoro hay Spirited Away đạt đến đỉnh cao về cả doanh thu lẫn nghệ thuật?
Đánh giá có thể khác nhau tùy mỗi người, nhưng hẳn khán giả trung thành của studio Ghibli có thể cảm thấy phong cách của ông đã có phần đổi khác.
Từ sau Spirited Away, hoạt hình của ông thường ám màu bí ẩn và kỳ lạ, cố tình đi chệch khỏi “phong cách anime Miyazaki” tươi sáng mà khán giả đã quen thuộc.
Trong Howl Moving Castle, ông miêu tả quá trình già đi của con người. Trong Ponyo, thế giới bị nuốt chửng bởi một cơn sóng thần hệt như trận đại hồng thủy trong Kinh Thánh.
The Wind Rises, tác phẩm gần đây nhất của ông thì khắc họa thời kỳ cận kề chiến tranh cùng với nỗi đau sau cái chết của một người thân yêu.
Những tác phẩm trong thế kỷ 20 của Miyazaki vốn mang thông điệp rằng hoạt hình có thể mang niềm hy vọng đến cho trẻ em nói riêng và toàn bộ nhân loại nói chung.
Còn những tác phẩm gần đây của ông dường như đào sâu thêm vào những cảm xúc có phần đen tối như sự già đi, mất mát, cái chết và sự phi lý của vũ trụ, nhân sinh.
Di sản Hayao Miyazaki và Ghibli sau Sprited Away
Có thể thấy “tính siêu thực” rõ ràng trong những tác phẩm cuối cùng của các đạo diễn lỗi lạc như Akira Kurosawa (Dream) và Nobuhiko Obayashi (Labyrinth of Cinema).
Những tác phẩm này hướng tới chủ nghĩa hiện thực kỳ ảo, nơi giấc mơ và hiện thực hòa quyện với nhau, một thực tại song song mang chút gì đó khác biệt với thế giới chúng ta đang sống.
Khán giả yêu văn chương có thể liên tưởng đến các tác phẩm kinh điển như Trăm năm cô đơn của Gabriel García Márquez hay Kafka bên bờ biển của Haruki Murakami.
Bộ phim lần này của Hayao Miyazaki không phải ngoại lệ. Trong trailer The Boy and the Heron, khán giả được trải nghiệm sự dữ dội, choáng ngợp và những điều kỳ lạ, phi lý cùng với dáng dấp của những chủ đề đã quen thuộc của ông là chiến tranh, lửa, nước, sự sống và cái chết.
Tác phẩm được hoan nghênh nồng nhiệt tại Liên hoan phim Toronto. Rafael Motamayor, một nhà phê bình trên trang IGN, đánh giá 9/10 cho bộ phim, mô tả nó như một “cuộc phiêu lưu tuyệt sắc”.
Nhà phê bình nhấn mạnh rằng bản thân và khán giả yêu điện ảnh thật may mắn khi sinh ra trong thời đại mà studio Ghibli vẫn không ngừng sáng tạo.
The Boy and the Heron ra mắt tại Nhật Bản vào tháng 7 và sẽ công chiếu tại Bắc Mỹ ngày 8-12. Còn ở Việt Nam, khán giả hâm mộ Hayao Miyazaki vẫn mong đợi bộ phim được ra rạp.
No comments