TVB, SBS xem Việt Nam là thị trường tiềm năng để phân phối phim truyền hình
Nhiều công ty, nhà sản xuất, hãng phim truyền hình nổi tiếng ở châu Á như: đài TVB, SBS, IX Media, MBC, KBS… có mặt tại Triển lãm quốc tế phim và công nghệ truyền hình Việt Nam năm nay.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại diện của ba đài truyền hình, công ty truyền thông có tiếng ở châu Á gồm: TVB, SBS, IX Media nhận định các chương trình truyền hình giải trí do các đài phát hành dễ dàng "xâm nhập" thị trường Việt Nam và có doanh thu khả quan bởi nhiều lý do.
Và lý do lớn nhất nằm ở sự giao thoa, tương đồng sâu sắc về mặt văn hóa.
Thị trường Việt Nam nhiều hứa hẹn
Trước khi công nghệ lên ngôi và chưa có sự cạnh tranh từ phía phim truyền hình Hàn Quốc và Trung Quốc, phim TVB đã có thời gian phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam với các tác phẩm lớn như: Bằng chứng thép, Hồ sơ trinh sát, Lộc đỉnh ký...
Bà Mandy Yip, đại diện của đài TVB ở thị trường quốc tế, nói phim TVB vào thị trường Việt Nam đã hơn 40 năm.
Theo bà, so với các nước khác trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là đất nước của lúa gạo, hải sản, có chỉ số hạnh phúc cao.
"Có lẽ vì vậy mà những loại hình văn hóa, giải trí như: phim, ca nhạc, kịch nghệ... sẽ không tách rời khỏi đời sống tinh thần của họ.
Họ có sự quan tâm nhất định đến văn hóa ẩm thực, du lịch bản địa và các nước lân cận. Người Việt cũng trọng tình nghĩa.
Vì vậy, đài TVB nỗ lực sản xuất những tác phẩm có nội dung như thế để phục vụ khán giả Việt Nam" - bà Mandy nói với Tuổi Trẻ Online.
Bà cũng mong muốn sớm có sự hợp tác giữa đài TVB và các đài truyền hình ở Việt Nam để sản xuất những sản phẩm mang dấu ấn giữa hai nước bởi thực tế có không ít lần, nhà đài nổi tiếng Hong Kong đã mang ê kíp làm phim sang Việt Nam giao lưu, hợp tác.
"Sắp tới, đài TVB có kế hoạch liên kết cùng một số đơn vị truyền hình ở Việt Nam để sản xuất những show giải trí lớn", bà Mandy cho hay.
Còn theo bà Jade Xu - giám đốc điều hành của IX Media, đơn vị phát hành một số phim Trung Quốc ăn khách như: Diên Hi công lược, 30 chưa phải là hết..., văn hóa truyền thống của Việt Nam và Trung Quốc rất gần gũi nhau.
Khi khán giả Việt xem phim Trung Quốc thì họ tiếp nhận một cách dễ dàng hơn.
Từ trước đến nay, Việt Nam luôn là thị trường chính của IX Media tại khu vực Đông Nam Á. Một số dòng phim do đơn vị này phát hành có sự đón nhận mạnh mẽ từ người Việt phải kể đến thể loại cổ trang, tình cảm gia đình, sủng (ngọt)...
Ngoài ra, một số đề tài về người phụ nữ, hôn nhân tan vỡ, khởi nghiệp... cũng được khán giả Việt Nam quan tâm.
Với SBS, đài truyền hình sản xuất và phân phối nhiều phim, chương trình truyền hình thực tế ăn khách tại Hàn Quốc như: Running Man, Taxi driver..., vào thị trường Việt khi làn sóng Hallyu bùng nổ.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, ông Keon Ko, giám đốc khối vận hành toàn cầu của đài SBS, chia sẻ thị trường phim truyền hình Việt Nam đang vô cùng cạnh tranh với rất nhiều nền tảng, nhà đài phân phối phim truyền hình Hàn Quốc như: Vieon, FPT, Galaxy Play...
Đến giờ, SBS ước tính đã đem 30 phim, chương trình truyền hình sang Việt Nam.
"Hiện tại, đài SBS đang duy trì mức doanh thu 500.000 USD mỗi năm (tương đương hơn 12 tỉ đồng) từ việc bán bản quyền phim tại thị trường Việt Nam và vẫn cố gắng để tăng con số này qua từng năm", ông Keon Ko tiết lộ.
Trong tương lai, ông cũng mong muốn Việt Nam và Hàn Quốc có sự kết hợp nhiều hơn trong việc sản xuất và quay phim.
Như chương trình truyền hình thực tế Running Man do ê kíp SBS từng trực tiếp sản xuất tại Việt Nam hay phim Taxi Driver 2 đã có sự kết hợp trong khâu sản xuất giữa Việt - Hàn.
Các đài lớn không nằm ngoài "cuộc đua" với mạng xã hội
Khi các nội dung theo định dạng video ngắn như: TikTok, Instagram Reels... lên ngôi và thu hút phần lớn sự quan tâm của người xem, các nhà đài cho biết phim truyền hình không tránh khỏi sự cạnh tranh dù mỗi nền tảng vẫn luôn có lượng khán giả của riêng mình.
Theo sự phát triển của dòng phim online, IX media đi theo xu hướng sản xuất các bộ phim có thời lượng ngắn, số tập ít.
Nhưng về nền tảng phân phối thì vẫn có thể phát trên truyền hình bằng cách hậu kỳ, ghép hai tập ngắn thành một tập dài.
Còn đài TVB, từ một kênh truyền hình truyền thống cũng mở rộng trên nhiều mảng khác nhau như: mạng xã hội, app trên điện thoại, YouTube...
Bà Mandy Yip cho biết: "Ngày xưa, nguồn thu chính của đài TVB là các chương trình quảng cáo. Theo xu hướng phát triển của thời đại thì giờ đây mọi chuyện đã khác. Chúng tôi phải đi theo truyền thông mới".
No comments