Vì sao phim hoạt hình Nhật Bản "thống trị" thị trường Trung Quốc
Không chỉ có những bom tấn Hollywood mới làm chao đảo phòng vé Trung Quốc. Thời gian gần đây, một hiện tượng thú vị đã xuất hiện, phim hoạt hình Nhật Bản đang gặt hái thành công vang dội tại thị trường tỷ dân này, thậm chí còn vượt mặt doanh thu tại quê nhà. Điển hình là trường hợp của bộ phim "Suzume" năm ngoái và gần đây nhất là "The Boy and the Heron", với doanh thu tại Trung Quốc lần lượt là 117 triệu USD và 109 triệu USD, bỏ xa con số khiêm tốn tại Nhật Bản.
Sức hút từ những ký ức tuổi thơ
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thành công này là sự kết nối văn hóa sâu sắc giữa hai quốc gia. Từ những năm 1980, các bộ phim hoạt hình Nhật Bản như: "Cậu bé rồng Taro"; "Astro Boy"; "Slam Dunk"; "Doraemon" hay "Saint Seiya" đã chiếm lĩnh màn ảnh nhỏ Trung Quốc, trở thành một phần ký ức tuổi thơ của nhiều thế hệ. Sự quen thuộc và tình cảm đặc biệt dành cho những nhân vật hoạt hình này đã tạo nên hiệu ứng hoài niệm mạnh mẽ, thúc đẩy khán giả tìm đến rạp chiếu phim để ôn lại kỷ niệm.
Zhang Tong - nhà phân tích cấp cao tại Viện nghiên cứu Maoyan nhận định: "Khi thế hệ Z trở thành nhóm khán giả chủ lực, nhiều loạt phim hoạt hình Nhật Bản đang ngày càng thu hút giới trẻ Trung Quốc, bao gồm cả những IP kinh điển như: "Thám tử lừng danh Conan", "One Piece" hay các series mới như "Spy x Family", "Haikyuu!!".
Tuy nhiên, con đường chinh phục khán giả Trung Quốc của phim hoạt hình Nhật Bản không phải lúc nào cũng bằng phẳng. Chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần can thiệp để điều chỉnh thị trường phim hoạt hình vì lý do công nghiệp và chính trị. Vào những năm 2000, các bộ phim đóng mác Nhật Bản bị hạn chế phát sóng vào giờ vàng, thậm chí bị cấm hoàn toàn vào năm 2008. Các bộ phim hoạt hình Nhật Bản cũng từng bị ngừng nhập khẩu trong hai năm 2013-2014 do tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước.
Tuy nhiên, những rào cản chính trị này đã dần được gỡ bỏ khi quan hệ Trung - Nhật được cải thiện. Trong khi đó, căng thẳng chính trị giữa Trung Quốc và Hàn Quốc vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, khiến phim Hàn Quốc hoàn toàn vắng bóng tại các rạp chiếu Trung Quốc trong 8 năm qua.
Sự đồng điệu về văn hóa và xã hội
Bên cạnh yếu tố lịch sử và chính trị, sự tương đồng về văn hóa và xã hội cũng là một yếu tố quan trọng góp phần vào thành công của phim hoạt hình Nhật Bản tại Trung Quốc. Cả hai quốc gia đều đang đối mặt với những vấn đề xã hội như kết hôn muộn, tỷ lệ người độc thân cao, hộ gia đình DINK (Gia đình không con cái) và dân số già hóa.
Julien Favre, giám đốc điều hành của Road Movies, nhà phân phối của "Slam Dunk" và "Suzume" tại Trung Quốc cho rằng: "Xã hội Trung Quốc và Nhật Bản vẫn còn mang nhiều giá trị truyền thống hơn so với các nước phương Tây. Hệ giá trị của họ khá gần gũi. Những bộ phim như "Slam Dunk" đề cao tinh thần đồng đội và chiến thắng tập thể, khác biệt so với các câu chuyện về siêu anh hùng cá nhân của Mỹ".
Hoạt hình Nhật Bản nắm lấy cơ hội Hollywood "thoái trào"
Favre cũng chỉ ra rằng, sự khác biệt ngày càng lớn giữa Trung Quốc và phương Tây, đặc biệt là Hollywood đã tạo ra cơ hội cho phim hoạt hình Nhật Bản. "Những năm gần đây, chúng ta không được xem nhiều phim Marvel hay. Khán giả đã bắt đầu cảm thấy nhàm chán với các thương hiệu phim Hollywood. Thế hệ trẻ Trung Quốc, những người chủ yếu xem phim tại rạp hiện nay, lớn lên trong giai đoạn 10 năm qua với ít nội dung phương Tây hơn. Thêm vào đó, đại dịch Covid-19 đã khiến các bộ phim Hollywood không thể ra rạp. Vì vậy, có một sự mất kết nối ngày càng tăng giữa Trung Quốc với nội dung và thậm chí là các giá trị phương Tây. Nhưng cũng chính thế hệ này lại là những người đọc manga và xem anime Nhật Bản".
Với những yếu tố thuận lợi về văn hóa, xã hội và bối cảnh chính trị, phim hoạt hình Nhật Bản được dự đoán sẽ tiếp tục gặt hái thành công tại thị trường Trung Quốc trong thời gian tới. Tuy nhiên, các nhà làm phim Nhật Bản cũng cần lưu ý đến những thay đổi trong thị hiếu của khán giả Trung Quốc, đặc biệt là thế hệ trẻ, để có thể tạo ra những tác phẩm phù hợp và tiếp tục chinh phục thị trường đầy tiềm năng này.
No comments